Tin công nghiệp
Nhiều địa phương kiến nghị
Tại Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2024 tổ chức gần đây, nhiều địa phương phản ánh gặp vướng mắc trong công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng cho hay: Thành phố đang phải thực hiện “thủ tục kép” về chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và thủ tục thành lập cụm công nghiệp theo quy định của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (Nghị định 68) và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 68 (Nghị định 66). Do chưa có sự thống nhất giữa các quy định.
“Bên cạnh đó, rất nhiều cụm công nghiệp dù phù hợp với các quy hoạch liên quan và có nhà đầu tư đăng ký nhưng chưa thể thành lập do vướng quy định về tỷ lệ lấp đầy theo quy định tại Nghị định 68”, ông Thành nhấn mạnh.
Bộ Công Thương giải quyết triệt để các vướng mắc cho phát triển cụm công nghiệp |
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, Sở Công Thương Hải Phòng đề nghị: Bộ Công Thương đề xuất với Chính phủ xem xét ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp tương tự như ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp.
Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cơ quan có thẩm quyền quy định dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư để giảm bớt thủ tục hành chính và đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
Đồng tình với những đề xuất trên, ông Quách Tất Liêm - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cũng đồng thời chỉ ra vướng mắc qua thực tế triển khai công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư còn gặp nhiều vướng mắc, diện tích đất cụm công nghiệp đã được giải phóng mặt bằng mới chiếm 23,69%. Thời gian để nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục như đất đai, xây dựng, môi trường… sau khi được UBND tỉnh quyết định giao chủ đầu tư để tiến hành xây dựng kéo dài làm ảnh hưởng đến công tác thu hút các doanh nghiệp thứ cấp đầu tư hoạt động sản xuất trong cụm công nghiệp.
Ngoài ra, hầu hết các cụm công nghiệp không có quy hoạch khu tái định cư cho người dân khi bị thu hồi đất phục vụ phát triển công nghiệp, không có quy hoạch hạ tầng xã hội như: Dành quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân, nhà văn hóa, nhà trẻ và các công trình phụ trợ đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu cho công nhân, lao động trong các cụm công nghiệp.
Tập trung tháo gỡ các vướng mắc
Trước những đề xuất của các địa phương, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương lý giải: Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (Nghị định số 32) có hiệu lực từ ngày 1/5 đã giải quyết được nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai công tác quản lý cụm công nghiệp theo các quy định cũ.
Ông Ngô Quang Trung cũng cho hay: Nghị định số 32 có nhiều điểm nổi bật. Cụ thể, Nghị định số 32 quy định mô hình chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
Ông Ngô Quang Trung- Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương |
Đối với các đơn vị đã được giao làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 68 tiếp tục hoạt động đến khi có quyết định sắp xếp, xử lý của cơ quan có thẩm quyền.
Đối với điều chỉnh chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, nếu cụm công nghiệp có công trình hạ tầng kỹ thuật hình thành từ ngân sách nhà nước thì UBND cấp tỉnh giao cho chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật được lựa chọn để quản lý, sửa chữa và vận hành phục vụ hoạt động chung của cụm công nghiệp. Kinh phí xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp từ ngân sách nhà nước không được tính vào giá cho thuê đất, giá sử dụng hạ tầng kỹ thuật chung của cụm công nghiệp; chi phí quản lý, sửa chữa, vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật được tính vào giá sử dụng hạ tầng kỹ thuật chung của cụm công nghiệp. Trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định nội dung này thì thực hiện theo pháp luật chuyên ngành.
Việc áp dụng ưu đãi đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành (về đất đai, pháp luật về thuế, pháp luật về tín dụng và quy định khác của pháp luật có liên quan) để đảm bảo đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Trường hợp pháp luật quy định các mức ưu đãi khác nhau thì áp dụng mức ưu đãi cao nhất.
Nghị định tiếp tục quy định chuyển tiếp về xử lý thành lập cụm công nghiệp hình thành trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg Ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp theo hướng đơn giản, linh hoạt xử lý cho địa phương nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc chung quản lý về cụm công nghiệp.
“Nghị định số 32 đã có hiệu lực nhưng các địa phương vẫn phải thực hiện “thủ tục kép” do liên quan đến pháp luật đầu tư. Tuy nhiên, tại Nghị định Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, sửa đổi và tích hợp thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục thành lập cụm công nghiệp trong trường hợp sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư”, lãnh đạo Cục Công Thương địa phương nhấn mạnh.
(Trong khuôn viên Tổng Công Ty Thái Sơn - Bộ Quốc Phòng)
Điện thoại: 028 6658 9888
Email: [email protected]