Thứ hai, kiểm kê việc đánh giá việc sử dụng cũng như là phát thải các chất hữu cơ ô nhiễm, khó phân hủy (POP) từ ngành hóa chất và phân bón.
Thứ ba, từ những việc nhận diện các rủi ro về phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường từ ngành hóa chất.
Thứ tư, Bộ Công Thương đã triển khai những dự án như áp dụng hóa học xanh tại Việt Nam nhằm hỗ trợ việc thực hiện tăng trưởng xanh và giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường.
“Đối với nội dung về tái chế, tái sử dụng chất thải công nghiệp liên quan đến ngành hóa chất thì chúng ta cũng biết là có chất thải thạch cao phát sinh từ quá trình sản xuất ngành hóa chất, phân bón. Với nội dung này, thực hiện Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đẩy mạnh việc xử lý, tiêu thụ tro xỉ thạch cao từ các nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất, hàng năm Bộ Công Thương đã tổ chức kiểm tra, giám sát các đơn vị trong ngành hóa chất, phân bón”, bà Nguyễn Thanh Phương cho biết.
Theo đại diện Cục kỹ thuật An toàn và môi trường Công nghiệp, qua quá trình kiểm tra, giám sát nhận thấy một số nhà máy hóa chất hiện nay đối với các sản phẩm bã thải thạch cao (GYPS) phát sinh từ quá trình sản xuất thì cũng đã được hợp chuẩn, hợp quy thành những vật liệu xây dựng. Ngoài ra, qua công tác kiểm tra, giám sát Bộ Công Thương cũng đã sát sao trong việc chỉ đạo các đơn vị tập trung thúc đẩy những dự án tái chế bã thải thạch cao làm vật liệu xây dựng, triển khai trong thời gian sớm nhất.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các đơn vị tăng cường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu những dự án xử lý bã thải thạch cao thành nguyên liệu cho ngành phân bón…
Hướng tới mục tiêu xanh hóa ngành công nghiệp
Bà Nguyễn Thanh Phương cho rằng, tất cả các ngành công nghiệp, Công Thương nói chung và ngành hóa chất nói riêng trong thời gian tới để thúc đẩy xanh hóa trong ngành, các doanh nghiệp tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:
Thực hiện đầy đủ và đúng các quy định về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính… Bản thân các doanh nghiệp phải tự nghiên cứu tính toán các phương án về giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng để tìm ra được những bài toán về chi phí sản xuất.
Bộ Công Thương đã và đang tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển bền vững. Ảnh: TL |
“Bởi vì mỗi phương án khác nhau sẽ có được những kết quả khác nhau và việc đưa ra những giải pháp tương ứng với các giải pháp về sản xuất sạch hơn các doanh nghiệp sẽ có được những kết quả triển khai thực hiện rõ rệt. Khi có những mô hình thí điểm doanh nghiệp sẽ lựa chọn được giải pháp nào tối ưu nhất”, bà Nguyễn Thanh Phương lưu ý.
Liên quan đến các dự án xanh, theo đại diện Cục kỹ thuật An toàn và môi trường Công nghiệp, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo quyết định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về tiêu chí môi trường dành cho những dự án đầu tư liên quan đến dự án xanh để các doanh nghiệp có thể tiếp cận những nguồn hỗ trợ từ các chính sách nhà nước liên quan đến tín dụng xanh và trái phiếu xanh.
“Không có cách nào khác là các doanh nghiệp phải tự nghiên cứu và tiếp cận những thông tin mới để có thể tìm ra giải pháp tiếp cận những nguồn đầu tư và thực hiện các dự án”, bà Nguyễn Thanh Phương nêu rõ.
Tại COP26, Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Cam kết này vừa là thuận lợi nhưng cũng vừa là khó khăn, thách thức cho toàn ngành/lĩnh vực nói chung và ngành công nghiệp hóa chất nói riêng để thực hiện mục tiêu chung của quốc gia.
Trong thời gian tới để thúc đẩy xanh hóa các ngành công nghiệp nói chung và ngành hóa chất nói riêng, Bộ Công Thương tập trung vào một số nội dung cụ thể sau:
Tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm được giao tại Luật bảo vệ môi trường và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn Luật: các nội dung về phát triển ngành công nghiệp môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành Công Thương, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy, phát triển kinh tế tuần hoàn và các nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường khác.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn trong quá trình triển khai.
Tập trung phát triển ngành công nghiệp môi trường: Thực hiện quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP về phát triển công nghiệp môi trường, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 980/QĐ-TTg ngày 22/8/2023 về Danh mục cụ thể công nghệ, thiết bị, sản phẩm ngành công nghiệp môi trường nhằm phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang phối hợp các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển ngành công nghiệp môi trường giai đoạn tới, trong đó có nội dung tiếp tục xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí cho sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp môi trường, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường ngày càng tăng cao ở nước ta.
Tập trung xây dựng, triển khai Đề án xanh hóa công nghiệp giai đoạn đến năm 2030: Ngày 28/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 và giao Bộ Công Thương xây dựng “Đề án xanh hoá công nghiệp giai đoạn đến 2030” với nhiệm vụ cụ thể “Xanh hóa các ngành công nghiệp, đảm bảo sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên và năng lượng trong các ngành công nghiệp”.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang tập trung nghiên cứu, đề xuất các nội dung cơ bản liên quan đến xanh hóa các ngành công nghiệp như: Khái niệm xanh hóa công nghiệp, Bộ chỉ tiêu xác định mức độ xanh hóa của các ngành công nghiệp để đánh giá thực trạng xanh hóa công nghiệp. Từ đó, xác định những thuận lợi cũng như khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn hiện nay để đề xuất các giải pháp, chính sách mới phù hợp trong việc thúc đẩy xanh hóa các ngành công nghiệp tại Việt Nam giai đoạn đến năm 2030. |