Ngành công nghiệp phát triển mất cân đối
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), công nghiệp hiện trở thành ngành đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước và đóng vai trò quan trọng trong phát triển của nền kinh tế. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cung cấp khoảng 25,8% việc làm cho nền kinh tế và bình quân mỗi năm tạo thêm khoảng 300.000 việc làm. Về cơ cấu đã giảm dần tỷ trọng các ngành thâm dụng tài nguyên, các ngành công nghệ thấp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghệ trung bình và công nghệ cao.
Công nghiệp hiện trở thành ngành đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước và đóng vai trò quan trọng trong phát triển của nền kinh tế |
Thời gian qua, tổng vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp liên tục được mở rộng, trong đó, tỷ lệ đầu tư công nghiệp trên tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội luôn chiếm xấp xỉ 40% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chỉ sau ngành dịch vụ (xấp xỉ 50%) với sự dịch chuyển từ đầu tư của khu vực Nhà nước sang đầu tư của khu vực ngoài nhà nước (chủ yếu là FDI), trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo luôn là khu vực thu hút nhiều đầu tư FDI nhất.
Song, vướng mắc của nền công nghiệp Việt Nam nằm ở việc nội lực còn yếu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phụ thuộc quá lớn vào các doanh nghiệp FDI. Đơn cử, các doanh nghiệp FDI chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt, đối với các ngành xuất khẩu chủ lực như điện - điện tử, dệt may, da giày, số lượng doanh nghiệp FDI chỉ khoảng 20% trên tổng số doanh nghiệp nhưng lại chiếm tới hơn 80% kim ngạch xuất khẩu. Các doanh nghiệp này chủ yếu tập trung ở khu vực hạ nguồn để tận dụng các ưu đãi về thuế và các chi phí đầu vào như nhân công giá rẻ và các yêu cầu về môi trường, lao động chưa quá cao của Việt Nam.
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp thẳng thắn chỉ ra, các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa làm chủ và cạnh tranh được về công nghệ nguồn trong sản xuất, chưa có sản phẩm công nghiệp thương hiệu Việt Nam có hàm lượng công nghệ và giá trị cao. "Do đó, đa số các doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu"- ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh và chia sẻ thêm rằng, ngành công nghiệp đang phát triển mất cân đối phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI. Việc các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu cũng khiến sản phẩm công nghiệp thiếu sự cạnh tranh, giá trị gia tăng không cao. Thời gian qua, việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất công nghiệp chủ yếu đến từ khu vực các doanh nghiệp FDI chứ không phải các doanh nghiệp nội địa; chưa tận dụng được những lợi thế cạnh tranh của việc kết nối giữa khu vực kinh tế với các địa phương để tạo ra các chuỗi sản xuất công nghiệp.
"Tác nhân chính để tạo ra chuyển dịch cơ cấu và giá trị trong công nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp FDI chứ không phải là các doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, các doanh nghiệp 100% vốn FDI đang đóng vai trò chủ đạo trong xuất khẩu và tăng trưởng của Việt Nam. Trong khi đó, mối liên hệ, kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước lỏng lẻo, không tạo ra tác động lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước, dẫn đến tình trạng "một quốc gia, hai nền kinh tế" (khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước)", lãnh đạo Cục Công nghiệp nói.
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết thêm, phát triển công nghiệp hiện chưa tận dụng được lợi thế cạnh tranh của các địa phương và vùng kinh tế để hình thành các chuỗi giá trị công nghiệp. Hầu hết các địa phương hiện nay không có chiến lược, tầm nhìn dài hạn trong phát triển công nghiệp, cạnh tranh xuống đáy thay vì hợp tác để thu hút đầu tư nên thường bị các nhà đầu tư lợi dụng để đàm phán có lợi cho mình.
Chia sẻ về những khó khăn nội tại của doanh nghiệp ngành công nghiệp, đại diện lãnh đạo Hiệp hội Thép Việt Nam - cho biết, mặc dù ngành thép đã có sản lượng năm khoảng 30 triệu tấn thành phẩm, nhưng đến 90% cung cấp cho nhu cầu xây dựng, kể cả thép xuất khẩu cũng chủ yếu phục vụ xây dựng.
Bài toán ở đây không hẳn là vấn đề về năng lực sản xuất thép mà còn ở câu chuyện nhu cầu thép hợp kim, thép chế tạo phục vụ cho hộ tiêu dùng cuối cùng ở các ngành, lĩnh vực kinh tế có số lượng nhỏ (hàng nghìn tấn/năm) và phân chia ra các loại sản phẩm khoảng hàng trăm, hàng triệu khác nhau rất chi tiết, vì thế không tương thích với quy mô lớn của nhà máy thép, nhà máy luyện kim (sản lượng hàng trăm nghìn tấn cho đến hàng triệu tấn/năm.
Hướng tới hình thành hệ sinh thái công nghiệp hoàn chỉnh
Để đẩy mạnh nền công nghiệp mang tính tự chủ, vững mạnh, theo Bộ Công Thương, trọng tâm thời gian tới ngành cần tiếp cận công nghệ sản xuất hiện đại, xây dựng những tập đoàn kinh tế đủ mạnh dẫn dắt các ngành công nghiệp và công nghiệp phụ trợ. "Song song với phát triển công nghiệp nền tảng ngành, cần phát triển các ngành sản xuất nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như: Công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, hóa chất và công nghiệp vật liệu…" - ông Phạm Tuấn Anh nói.
Cụ thể, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để làm nền tảng, cơ sở cho các hoạt động thúc đẩy phát triển công nghiệp. Phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp thông qua điều hành bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các chính sách tài chính, tiền tệ, thuế cũng như các công cụ hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp.
Bên cạnh đó, phân bổ hợp lý các nguồn lực quốc gia từ Trung ương đến địa phương để tập trung phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên như vật liệu, cơ khí, chế tạo, chế biến, công nghiệp hỗ trợ cũng như các ngành Việt Nam có lợi thế sử dụng lao động và xuất khẩu như dệt may, da – giày, điện tử…
Phát triển hệ thống doanh nghiệp công nghiệp. Đặc biệt là phát triển các doanh nghiệp công nghiệp tư nhân trong nước thực sự trở thành một động lực quan trọng cho phát triển công nghiệp đất nước; Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đặc biệt là yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Chính phủ xây dựng những khu, cụm liên kết ngành quy mô lớn để thu hút đầu tư cũng như xây dựng chuỗi sản xuất công nghiệp. Đồng thời, Bộ sẽ đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các lĩnh vực công nghiệp để khắc phục những hạn chế, yếu kém, hỗ trợ về vốn, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ để hình thành một hệ sinh thái công nghiệp hoàn chỉnh trong tương lai.
Dưới góc độ chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần tập trung hướng tới xây dựng ngành công nghiệp chế biến cho giá trị gia tăng cao hơn, có tính tự chủ hơn, không thể để phụ thuộc quá lớn vào một ngành, hay một lĩnh vực, lại từ những doanh nghiệp FDI đầu tư công nghệ cao, khó chuyển giao, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khó có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng.
Để phát huy nội lực, tranh thủ các tiềm lực của đất nước trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng nhanh và các tiêu chí xanh, bền vững đang ngày càng được các nền kinh tế đặt ra mạnh mẽ, các chuyên gia cũng khuyến nghị, cần đẩy mạnh khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên hiện có để tạo ra nguyên liệu cho sản xuất để xây dựng và tạo ra các ngành công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ, vừa giảm phụ thuộc nhập khẩu, tăng nguồn thu.
Theo Cục Công nghiệp, để đẩy mạnh nền công nghiệp mang tính tự chủ, vững mạnh, trọng tâm thời gian tới ngành cần tiếp cận công nghệ sản xuất hiện đại, xây dựng những tập đoàn kinh tế đủ mạnh dẫn dắt các ngành công nghiệp và công nghiệp phụ trợ. Song song với phát triển công nghiệp nền tảng, cần phát triển các ngành sản xuất nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như: Công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, hóa chất và công nghiệp vật liệu… |