Các hãng thời trang trên thế giới có chuỗi khép kín chặt chẽ và xây dựng được thương hiệu trong nhiều năm, vậy bài toán đặt ra cho Tập đoàn khi chen chân vào lĩnh vực dệt kim là gì, thưa ông?
Các hãng thời trang lớn không sở hữu nhà máy. Họ chính là người mua hàng chứ không phải là đối thủ cạnh tranh của Tập đoàn. Với Trung tâm, Tập đoàn tạo ra khu vực để góp thêm giá trị gia tăng cho người mua hàng là các hãng thời trang lớn. Trước đây họ phải có đội ngũ thiết kế nay chúng tôi làm thay. Họ có thể đưa ra ý tưởng ban đầu, chúng tôi hiện thực hoá ý tưởng đó thông qua các thiết kế 3D, tạo ra mẫu trực tiếp ngay tại Trung tâm. Như vậy khách hàng nhận được nhiều giá trị hơn từ nhà cung cấp.
Tập đoàn chưa định hướng thời gian đầu xây dựng một thương hiệu nội địa riêng. Để cạnh tranh được với các thương hiệu nước ngoài, chúng tôi xác định đó là con đường trong dài hạn. Đã từng có các thương hiệu nội địa đi trước chúng ta 10-15 năm, nhưng để cạnh tranh được ở thị trường quốc tế với các thương hiệu lớn còn rất khó khăn. Do vậy chúng tôi xác định từng bước để đổi mới sáng tạo liên tục, dần hình thành những thương hiệu của Tập đoàn đủ sức cạnh tranh ở khu vực, từng bước vươn tầm quốc tế.
Theo ông, Trung tâm ra đời sẽ mang lại những giá trị gì cho Tập đoàn nói riêng, ngành dệt may nói chung?
Trước đây chúng ta chủ yếu làm gia công cho khách hàng, sản xuất theo tài liệu kỹ thuật sẵn có thì nay bước vào khu vực giá trị cao hơn, tạo nhiều giá trị gia tăng hơn trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Chúng tôi có thể thiết kế mẫu, thư viện nguyên phụ liệu để khách hàng lựa chọn hết sức đa dạng phong phú, báo giá trong thời gian sớm nhất. Sau đó chúng ta cũng có đội ngũ có thể quản lý đơn hàng tại các nhà máy lớn, quá trình cuối cùng là giao hàng cho khách hàng.
Ngoài những khách hàng lớn có thể chủ động thiết kế nguyên liệu, còn nhiều khách hàng ở khu vực thị trường mới như Trung đông chúng tôi cung cấp dịch vụ thiết kế và chào mẫu, chào nguyên liệu để làm FOB, ODM (nguyên liệu, thiết kế, sản xuất).
Khi liên kết chuỗi giá trị chúng ta thu lại dựa trên sản phẩm quần áo cuối cùng chứ không tính tách biệt từ khu vực sợi, dệt, nhuộm, may riêng. Khi thị trường biến động mà vẫn giữ được đầu cuối là thị trường may thì ngành sợi, dệt nhuộm vẫn sống. Ở đây hiệu quả duy trì cho cả chuỗi, giá trị đó rất khó đong đếm nhưng nhìn thấy tính ổn định của chuỗi khi thị trường gặp khó khăn.
Phản ứng của mua hàng về Trung tâm này như thế nào, thưa ông?
Tâm lý của khách hàng muốn tìm đến đơn vị có đủ quy mô, uy tín để đi đường dài và tận dụng được cơ hội của các hiệp định thương mại. Với sự hình thành của Trung tâm, Tập đoàn càng hấp dẫn khách hàng hơn khi mang lại nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng.
Mặt khác việc hình thành Trung tâm đạt tiêu chuẩn công trình xanh, là giải pháp mà tập đoàn định hướng đến để phát triển bền vững. Trung tâm được trang bị cơ sở vật chất hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, theo xu hướng xanh, bền vững, nằm trong chiến lược thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Tòa nhà Trung tâm đã đạt chứng chỉ công trình xanh Gold Lotus – chứng nhận của Hội đồng công trình xanh Việt Nam (tương đương chứng nhận LEED về công trình xanh của Mỹ nhưng được điều chỉnh phù hợp với điều kiện riêng của Việt Nam).
Trân trọng cảm ơn ông!