Tin công nghiệp
Thực hiện “thủ tục kép” trong hình thành cụm công nghiệp
Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hải Phòng cho biết, Hải Phòng luôn xác định lấy công nghiệp làm nền tảng, là động lực chính của quá trình phát triển. Địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách và ưu tiên nguồn lực cho đầu tư hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là thu hút, đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố nhằm đáp ứng mặt bằng cho sản xuất công nghiệp.
“Trước khi Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp được ban hành (Quyết định 105), Hải Phòng đã thành lập 5 cụm công nghiệp. Nhìn chung, việc hình thành các cụm công nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi về khả năng tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp”, ông Thành nhấn mạnh.
Hải Phòng gặp khó trong phát triển cụm công nghiệp |
Từ năm 2017 đến nay, Sở Công Thương đã tham mưu UBND thành phố ban hành quyết định thành lập 8 cụm công nghiệp mới, tổng diện tích theo quy hoạch khoảng 400ha, tổng số vốn đầu tư dự kiến gần 3.000 tỷ đồng. Trong đó, có 3 cụm đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, dự kiến sẽ khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong quý II/2024; 4 cụm còn lại đang thực hiện các thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
“Đây là những cụm công nghiệp góp phần phát triển hành lang kinh tế đặc biệt là từ Quảng Ninh đến Ninh Bình, kéo xuống khu vực phía Nam”, lãnh đạo Sở Công Thương Hải Phòng cho biết.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Công Thương Hải Phòng, công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp của thành phố đang gặp một số vướng mắc. Trong đó, địa phương đang phải thực hiện “thủ tục kép”, gồm: Chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và thủ tục thành lập cụm công nghiệp theo quy định của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, Nghị định số 66/2020/NĐ-CP.
Một số cụm công nghiệp hình thành trước khi có Quyết định 105, hiện không có chủ đầu tư dẫn đến công tác bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế, một số cụm chưa có công trình xử lý nước thải theo quy định, chất lượng các dịch vụ công cộng, tiện ích nhìn chung là thấp.
Bên cạnh đó, trên địa bàn có nhiều cụm công nghiệp dù phù hợp với các quy hoạch liên quan và có nhà đầu tư đăng ký nhưng chưa thể thành lập do vướng quy định về tỷ lệ lấp đầy theo quy định tại Nghị định 68.
Chủ động khắc phục vẫn cần nhiều hơn sự hỗ trợ
Để khắc phục những vướng mắc trên, ông Thành cho biết, Sở Công Thương với vai trò là cơ quan đầu mối về cụm công nghiệp trên địa bàn đã thực hiện một số giải pháp. Trong đó, chủ trì cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, tham mưu UBND thành phố quy trình thành lập cụm công nghiệp. Theo đó, dựa trên kết quả lựa chọn chủ đầu tư của hội đồng và báo cáo thẩm định của Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tham mưu, trình UBND thành phố ban hành quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án cụm công nghiệp. Sau khi có quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, Sở Công Thương tham mưu, trình UBND thành phố ban hành quyết định thành lập cụm công nghiệp.
Yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp báo cáo định kỳ hàng tháng tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp cũng như những khó khăn vướng mắc khi triển khai. Từ đó, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai thủ tục và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư.
Tham mưu UBND thành phố giao các quận, huyện quản lý đối với các cụm công nghiệp hình thành trước Quyết định số 105 không có chủ đầu tư để quản lý các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong cụm thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Thành cũng cho hay, Nghị định số 32/2024/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý, phát triển cụm công nghiệp (Nghị định 32) đã cơ bản đã giải quyết được sự chồng chéo của các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực: Đất đai, đầu tư, đầu tư công, xây dựng liên quan đến cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố thành lập thêm các cụm theo Phương án phát triển cụm công nghiệp. Tuy nhiên, các địa phương vẫn phải thực hiện “thủ tục kép” do liên quan đến pháp luật đầu tư gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Ông Thành cũng kiến nghị Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ xem xét, ban hành Luật Công nghiệp trọng điểm, Luật Công nghiệp hỗ trợ và ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 32 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Đề xuất Chính phủ xem xét ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các cụm công nghiệp tương tự như ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp; có cơ chế hỗ trợ chuyển giao chủ đầu tư đối với các cụm công nghiệp hình thành trước khi có Quyết định 105 sang doanh nghiệp để hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng và duy trì hoạt động của cụm.
Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cơ quan có thẩm quyền quy định dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư để giảm bớt thủ tục hành chính và đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
Trước đề xuất của Hải Phòng, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương thông tin, Nghị định số 32 đã có hiệu lực nhưng các địa phương vẫn phải thực hiện “thủ tục kép” do liên quan đến pháp luật đầu tư. Tuy nhiên, tại Nghị định Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, sửa đổi và tích hợp thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục thành lập cụm công nghiệp trong trường hợp sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư.
(Trong khuôn viên Tổng Công Ty Thái Sơn - Bộ Quốc Phòng)
Điện thoại: 028 6658 9888
Email: [email protected]