Các cơ sở sản xuất tại Bình Dương, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, vẫn gặp khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu, bao bì, và mẫu mã sản phẩm. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế. Mặt khác, Bình Dương quy định mỗi cơ sở công nghiệp nông thôn chỉ được thụ hưởng chính sách khuyến công 1 lần nên không thực hiện được đề án điểm, làm mất tính lan tỏa, cũng như ý nghĩa của hoạt động khuyến công trong việc xây dựng các thương hiệu mạnh, tiêu biểu phát triển từ hỗ trợ của chính sách khuyến công.
Cùng đó, nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ khuyến công không ổn định: Cán bộ phụ trách khuyến công thường xuyên thay đổi, ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện chính sách. Cụ thể, cán bộ phụ trách xét duyệt đề án thay đổi, chưa qua tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu về chính sách chưa cao, làm ảnh hưởng đến công tác tham mưu cho hội đồng xét duyệt đề án, từ đó gây khó khăn, kéo dài ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của đơn vị thụ hưởng.
Một khó khăn nổi bật nữa, theo bà Nguyễn Thanh Hà, UBND tỉnh đang giao nhiệm cụ cho Sở Công Thương tham mưu về công tác di dời cơ sở sản xuất không đảm bảo quy định về môi trường vào khu, cụm công nghiệp, địa phương mong muốn chính sách khuyến công có hỗ trợ thêm cho hạng mục này.
Khuyến công quốc gia hỗ trợ tối đa cho nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất tối đa 300 triệu đồng/đề án, khuyến công của Bình Dương hiện đang thực hiện theo mức hỗ trợ này. Đề nghị Cục Công Thương địa phương nâng mức hỗ trợ cho nội dung quan trọng này nhằm thêm sức hấp dẫn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia.
Ngoài ra, Bình Dương có 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, nghề gốm Bình Dương. Chúng tôi đang hình thành làng sơn mài trong thành phố Bình Dương, hiện các cơ sở còn duy trì sản xuất hầu hết có quy mô vừa và nhỏ, nghề này có nguy cơ mai một. Tuy nhiên, theo quy định, cơ sở sản xuất tại các phường thuộc thành phố loại 1 chuyển đổi từ xã lên phường quá 5 năm không còn được hỗ trợ từ chính sách khuyến công. Địa phương mong muốn có chính sách khuyến công đặc thù cho những đối tượng làng nghề này.
Ngoài ra, lãnh đạo Sở Công Thương Bình Dương cũng đề nghị Cục Công Thương giới thiệu những chương trình, mô hình khuyến công hay để các địa phương thăm quan, học hỏi kinh nghiệm để phát huy hơn nữa hiệu quả công tác khuyến công.
Cục Công Thương địa phương cũng cần có những quy định rõ ràng về các nội dung gây nhiều tranh cãi, cụ thể như: Số lần hỗ trợ cho cơ sở công nghiệp nông thôn, căn cứ quy định nội dung ngành nghề được thụ hưởng chính sách khuyến công, căn cứ xác định giá trị máy móc thiết bị để hỗ trợ (báo giá, hợp đồng hay chứng thư thẩm định giá... ), các quy định khác có liên quan.
Về những giải pháp nhằm hoàn thành kế hoạch khuyến công năm 2024, được biết, trong thời gian tới Bình Dương sẽ tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong việc thực hiện các đề án khuyến công, từ đó hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn một cách kịp thời và hiệu quả.
Ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm có tính đổi mới sáng tạo, sử dụng nguồn nguyên liệu địa phương, và có tiềm năng trở thành sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia. Đồng thời, hỗ trợ kết nối sản phẩm với các kênh phân phối lớn và các sàn thương mại điện tử.