Tin công nghiệp
Tỉnh Kiên Giang phát huy vai trò của Tổ Chỉ đạo phục hồi sản xuất công nghiệp tỉnh tháo gỡ khó khăn, “điểm nghẽn” trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn
Tỉnh Kiên Giang thường xuyên tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan và khảo sát thực tế tình hình sản xuất tại doanh nghiệp trọng điểm trên địa bàn, nhằm nắm bắt, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc để giúp doanh nghiệp ổn định, đẩy mạnh hoạt động sản xuất công nghiệp đạt kết quả, mục tiêu năm 2024.
Theo Sở Công Thương Kiên Giang, giá trị sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm của tỉnh hơn 15.439 tỷ đồng, bằng 28,36% kế hoạch.
Sản xuất gạch tuynel tại Công ty cổ phần gạch ngói Kiên Giang nằm trên địa bàn huyện Kiên Lương.
Như vậy, để đạt mục tiêu, kế hoạch sản xuất công nghiệp năm 2024, những tháng còn lại, tỉnh phải đẩy mạnh hoạt động sản xuất công nghiệp đạt thêm tổng giá trị hơn 40.000 tỷ đồng, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ lực phát triển toàn ngành công nghiệp tỉnh.
Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang Trương Văn Minh cho biết, tỉnh tiếp tục củng cố, duy trì hoạt động của các doanh nghiệp, gắn với tăng cường thu hút đầu tư mới trong lĩnh vực công nghiệp.
Đặc biệt, tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh; hỗ trợ đầu tư đổi mới, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngoài ra, còn hỗ trợ về thị trường tiêu thụ sản phẩm, thông tin về nhu cầu sản phẩm, xuất khẩu sản phẩm đi các thị trường lớn… nhằm tạo sự ổn định và gia tăng nguồn thu cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, tỉnh tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, gắn với các chuỗi sự kiện trên địa bàn, nhằm thu hút các dự án mới, tạo dư địa cho tăng trưởng.
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phục hồi, phát triển công nghiệp.
Tỉnh rà soát, tháo gỡ những vướng mắc trong việc cấp, gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản, nhằm khuyến khích, đẩy mạnh hoạt động sản xuất trong lĩnh vực khai khoáng và chế biến vật liệu xây dựng.
Điểm nhấn trong đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp năm 2024 của Kiên Giang là hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn và các cụm nhà máy chế biến, gắn với đơn giản hóa thủ tục về đất đai, đầu tư, nhằm thúc đẩy các dự án thứ cấp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp sớm đi vào hoạt động để nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp.
Tỉnh Kiên Giang hỗ trợ, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang, cần thực hiện nhanh thủ tục có liên quan để giao cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Thạnh Lộc (Châu Thành) và Thuận Yên (Tp.Hà Tiên) nhằm sớm hoàn chỉnh thủ tục cho thuê đất đối với các dự án thứ cấp đã có chủ trương trong khu công nghiệp, tạo quỹ đất để thu hút các dự án đầu tư mới.
Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác đầu tư hạ tầng, đầu tư thứ cấp của cụm công nghiệp Vĩnh Hoà Hưng Nam (Gò Quao) giai đoạn 1, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn chỉnh các thủ tục đăng ký đầu tư cụm công nghiệp Long Thạnh (Giồng Riềng), cụm công nghiệp Hà Giang (Tp.Hà Tiên) và các cụm nhà máy chế biến trên địa bàn 2 huyện Kiên Lương, Hòn Đất.
Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang Trương Văn Minh chia sẻ, tỉnh triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ, nhằm giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, nhất là chính sách hỗ trợ về thuế, phí, bảo hiểm xã hội, lãi suất vay… giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất.
Ngoài ra, tỉnh quan tâm, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng… tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, nhất là các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là chú trọng về chuyển đổi loại hình kinh doanh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Nỗ lực khắc phục khó khăn nguyên vật liệu đầu vào
Những tháng đầu năm 2024, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều biến động, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức tiềm ẩn, nhưng sản xuất công nghiệp của tỉnh có bước phát triển tích cực và đạt mức tăng trưởng khá, tăng 11,97% so với cùng kỳ năm 2023.
Sản xuất giày xuất khẩu tại Cụm công nghiệp Vĩnh Hoà Hưng Nam, huyện Gò Quao (tỉnh Kiên Giang).
Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt hơn 14.789 tỷ đồng, giữ vai trò chủ lực, dẫn dắt phát triển toàn ngành công nghiệp khi có mức tăng 12,25% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 95,79% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh 4 tháng đầu năm. Các ngành công nghiệp khác tiếp tục giữ ổn định và tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước.
Theo lãnh đạo Sở Công thương Kiên Giang, các doanh nghiệp nỗ lực khắc phục khó khăn về điều kiện nguyên vật liệu đầu vào, tích cực hơn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới, cộng với nguồn lao động ổn định đã tạo đà cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đồng thời là thời điểm mùa khô nên các công trình xây dựng triển khai thi công góp phần tăng giá trị sản xuất vật liệu xây dựng.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết (El Nino), giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu đầu vào, thị trường tiêu thụ chưa ổn định; tình trạng thiếu hụt nguyên liệu cục bộ tại một số doanh nghiệp chưa cải thiện, dẫn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất của một số ngành bị sụt giảm.
Đến nay, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 28 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký 8.050 tỷ đồng, trong đó, có 20 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 13.340 lao động.
Hiện, các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang đang thực hiện thủ tục về đầu tư đối với cụm công nghiệp Long Thạnh diện tích 32ha và dự án xây dựng nhà máy chế biến sâu về nông sản gắn với vùng nguyên liệu tại huyện Kiên Lương do Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đăng ký đầu tư.
Nguồn:
(Trong khuôn viên Tổng Công Ty Thái Sơn - Bộ Quốc Phòng)
Điện thoại: 028 6658 9888
Email: [email protected]