Cụ thể, về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo khoản 9 Điều 2 và Điều 12 Nghị định 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp quy định về thành lập cụm công nghiệp. Đây là văn bản của cơ quan có thẩm quyền ghi nhận thông tin pháp lý của cụm công nghiệp, làm căn cứ triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và áp dụng chính sách, quy định của Nhà nước đối với cụm công nghiệp; trong Quyết định thành lập cụm công nghiệp có thông tin chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, nhưng tại khoản 1 Điều 31 Nghị định 32/2024/NĐ-CP quy định: Bộ Kế hoạch và Đầu tư,...đề xuất cơ quan có thẩm quyền quy định dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp phù hợp với nội dung báo cáo đầu tư thành lập, mở rộng cụm công nghiệp đã được phê duyệt không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư...
Điều này dẫn đến một số khó khăn, vướng mắc phát sinh khi Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp có phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định hướng dẫn không? Trường hợp có thì thực hiện thủ tục thành lập cụm công nghiệp trước hay sau thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục thực hiện sau có chấp nhận nhà đầu tư được lựa chọn từ thủ tục trước không?
Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng kiến nghị, đề xuất Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan hướng dẫn Sở Công Thương địa phương thực hiện các thủ tục này để đảm bảo quy định pháp luật.
Thứ hai, đối với việc lựa chọn nhà đầu tư tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 32/2024/NĐ-CP quy định: Lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp,...và quy định việc Hội đồng chấm điểm đánh giá lựa chọn chủ đầu tư theo thang điểm 100 cho 04 tiêu chí. Trong đó có nội dung quy định: Hội đồng thống nhất nguyên tắc, phương thức làm việc, các nội dung của từng tiêu chí và mức điểm tối đa tương ứng cho phù hợp...(trường hợp có từ 02 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức trở lên cùng đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp thì giao doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức có số điểm cao nhất; nếu có từ hai doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức có số điểm cao nhất bằng nhau thì giao doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức theo đề xuất của Chủ tịch Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư).
Theo Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, quy định như trên gây khó khăn cho Chủ tịch Hội đồng và cả Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp cấp tỉnh trong quá trình áp dụng quy định pháp luật, căn cứ cơ sở pháp lý chuyên ngành, cấp trên để đề xuất, quyết định lựa chọn đơn vị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
Ngoài ra, trong trường hợp dự án không thuộc phạm vi điểm b và điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP, nhưng có từ hai nhà đầu tư trở lên quan tâm triển khai dự án, đề nghị nghiên cứu, xem xét việc lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại khoản 7 Điều 29 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP2. Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị Bộ, ngành liên quan hướng dẫn rõ hơn về cách thức lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên quan tâm triển khai dự án có thực hiện theo khoản 7 Điều 29 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP không?
Đồng thời, khi thực hiện theo khoản 2 Điều 13 Nghị định 32/2024/NĐ-CP đề nghị Bộ, ngành liên quan hướng dẫn rõ hơn căn cứ, thứ tự ưu tiên của các tiêu chí để Chủ tịch Hội đồng và Hội đồng có cơ sở đề xuất lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; đặc biệt trong trường hợp hai đơn vị có số điểm cao nhất bằng nhau; để việc lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo tính khách quan, đảm bảo quy định pháp luật và thống nhất trên phạm vi cả nước.