Nhìn chung, Việt Nam đang đứng đầu về khả năng sản xuất sản phẩm đa dạng và nhanh chóng nhờ đầu tư máy móc và tay nghề cao. Tuy nhiên, về dài hạn, các nước khác có khả năng bắt kịp và lợi thế trên sẽ giảm dần. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh đầu tư công nghệ, tối ưu quy trình sản xuất và cung ứng cũng như tham gia sâu vào chuỗi giá trị để tạo lợi thế cạnh tranh so với các nước khác.
Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công Thương về nhận định của Rồng Việt, ông Phạm Xuân Hồng- Chủ tịch Hội Dệt-May-Thêu-Đan thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, báo cáo chưa đánh giá bao trùm hết hiện trạng của ngành. “Về cơ bản, vị trí của dệt may Việt Nam tại thị trường Mỹ vẫn duy trì, đơn hàng ổn định, các nhãn hàng vẫn đánh giá cao chất lượng hàng dệt may Việt Nam” - Ông Phạm Xuân Hồng cho hay.
Theo Chủ tịch Hội Dệt-May-Thêu-Đan thành phố Hồ Chí Minh, 6 tháng đầu năm 2024, thị trường Mỹ vấn chiếm 50% tỷ trọng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam, tiếp đến là Nhật Bản, EU.
Tuy nhiên, cũng như những thị trường phát triển khác, hiện Mỹ đã và đang chuẩn bị ban hành những quy định liên quan đến lao động, môi trường, trách nhiệm của nhà sản xuất… điều này buộc doanh nghiệp dệt may trong nước phải tuân thủ. Nhưng đây là xu hướng và là điều kiện doanh nghiệp dệt may trong nước phải thực hiện nhằm đáp ứng các quy định về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thông tin thêm về các quy định về lao động, môi trường tại Mỹ, ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, Mỹ đã có Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ từ năm 2021 nhằm giám sát chặt chẽ hơn chuỗi cung ứng, ngăn chặn sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực có lao động cưỡng bức. Quốc gia này cũng có luật về bảo vệ nhân viên ngành may buộc tất cả các nước sản xuất quần áo xuất khẩu vào Mỹ phải tuân thủ.
Ngoài những quy định đã có hiệu lực, hiện nay ở Mỹ đã đệ trình Luật thúc đẩy trách nhiệm và xây dựng thay đổi thiết thực trong tổ chức. Luật này yêu cầu các bên tham gia chịu trách nhiệm về vi phạm tiền lương để khuyến khích sản xuất có trách nhiệm; đặt mức lương tối thiểu theo giờ và loại bỏ mức lương từng phần.
Hay Luật trách nhiệm xã hội và bền vững thời trang tại Mỹ được đề xuất năm 2022 và chưa được thông qua. Luật yêu cầu các công ty thời trang lớn lập bản đồ chuỗi cung ứng, thiết lập và tiết lộ các mục tiêu ESG (E-môi trường; S-xã hội; G-quản trị), đồng thời giải quyết tác động môi trường và xã hội từ hoạt động của mình.
“Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh thực sự nan giải, đây không phải là bài toán có lời giải chung, buộc doanh nghiệp có sự nỗ lực tìm hướng đi của riêng mình”, ông Lê Tiến Trường nói.