Một số ngành công nghiệp cấp II trọng điểm của tỉnh có chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng tăng so với cùng kỳ năm trước, gồm: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 25,89%; sản xuất trang phục tăng 18,50%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 17,88%; sản xuất kim loại tăng 16,25%.
Nhận định từ Cục Thống kê Nam Định cũng cho thấy, đang có sự chuyển tiếp về giá trị đóng góp giữa những ngành sản xuất thâm dụng lao động sang ngành sản xuất sử dụng công nghệ cao.
Cụ thể, với ngành thâm dụng như dệt may, da giày, địa phương chủ trương giảm thu hút đầu tư nhưng đây vẫn là ngành có đóng góp lớn trong sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Thời điểm hiện tại, ngành may mặc tập trung sản xuất mặt hàng thu đông phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Số lượng đơn hàng tăng khá, các doanh nghiệp liên tục tuyển dụng lao động nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Tương tự, ngành da giày tiếp tục tăng khối lượng sản xuất phục vụ xuất khẩu. Dự kiến những tháng cuối năm, thị trường xuất khẩu các sản phẩm da giày ngày càng sôi động.
Ngành công nghiệp công nghệ cao ghi nhận năng lực mới tăng đầy tiềm năng từ Tập đoàn Quanta Computer Inc của Đài Loan (Trung Quốc). Cuối tháng 9/2024, chỉ sau 16 tháng được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án, Tập đoàn đã chính thức xuất khẩu 02 lô máy tính xách tay đầu tiên từ nhà máy tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận (thành phố Nam Định) để cung ứng cho bạn hàng là các tập đoàn hàng đầu thế giới về máy tính xách tay.
Dự kiến đến cuối năm 2024, Tập đoàn sẽ sử dụng khoảng 2.000 lao động, đến cuối năm 2025 khoảng 9.000 lao động. Đây là minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả giữa tỉnh Nam Định và doanh nghiệp nước ngoài, hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích kinh tế song phương, góp phần nâng cao vị thế của địa phương trên thị trường ngành công nghiệp công nghệ cao.
Tương ứng với giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tháng 10/2024 tăng 0,30% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng, chỉ số này tăng 2,91% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, loại hình doanh nghiệp nhà nước giảm 12,50%, doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 0,12% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 6,24%.
Sức khỏe của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện khá tốt. Số liệu thống kê cho thấy, 10 tháng hình đăng ký doanh nghiệp ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường và quay trở lại hoạt động (1.496 doanh nghiệp) lớn hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (1.081 doanh nghiệp); số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Sức bật mạnh mẽ của ngành công nghiệp Nam Định nhờ một phần rất quan trọng vào quyết tâm thu hút đầu tư, trải thảm đỏ với doanh nghiệp công nghiệp khắp nơi trên thế giới của lãnh đạo tỉnh Nam Định.
Tại chuyến công tác tại Ba Lan từ ngày 31/10-2/11, Bí Thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc đã quảng bá rộng rãi tiềm năng cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung, công nghiệp nói riêng của tỉnh.
Trong đó, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh được quan tâm đầu tư, nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối thuận tiện, thông suốt với hệ thống giao thông quốc gia và khu vực; hạ tầng các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp... đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Các hoạt động xúc tiến đầu tư được triển khai mạnh mẽ, tỉnh Nam Định đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước khi thu hút được một số tập đoàn lớn, công nghệ cao, phát triển xanh, bền vững, tạo sức bật cho phát triển kinh tế - xã hội…
Lãnh đạo tỉnh Nam Định cũng nhấn mạnh về định hướng thu hút đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp xanh, đồng thời trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đẩy mạnh thu hút phát triển nông nghiệp công nghệ cao…