Tin công nghiệp
Thông tin được ông Hoàng Trung Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết trong Triển lãm quốc tế giấy và bao bì Việt Nam (VPPE 2024), diễn ra ngày 8/5 tại Trung tâm Triển lãm quốc tế Bình Dương (WTC Expo), tỉnh Bình Dương.
Ông Hoàng Trung Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (Ảnh Thanh Minh) |
Theo ông Hoàng Trung Sơn, mặc dù không phải là một trong những ngành công nghiệp trọng yếu, nắm giữ vị trí then chốt của nền kinh tế, song các sản phẩm chính của ngành giấy như: Giấy bao bì, giấy in, viết, giấy tissue... lại là những sản phẩm thiết yếu trong đời sống xã hội.
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp giấy Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Theo thống kê của Hiệp hội, trong 5 năm từ 2019 đến 2023 sản lượng sản xuất của ngành đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm 13,3%.
Tính riêng năm 2023 tổng sản phẩm giấy trong nước sản xuất đạt gần 7 triệu tấn, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia). Trong đó, giấy bao bì sản xuất hơn 6 triệu tấn chiếm 86% tổng sản lượng, đứng đầu Đông Nam Á.
Ông Hoàng Trung Sơn cho rằng, xu hướng dùng sản phẩm giấy thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần và sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử và xuất khẩu hàng hóa ở Việt Nam là những động lực chính dẫn đến nhu cầu giấy bao bì tăng trưởng mạnh mẽ. Dự đoán, xu hướng này sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng bền vững của ngành giấy Việt Nam trong nhiều năm tới.
Để đáp ứng được thị trường cũng như phát triển bền vững, ngành công nghiệp giấy luôn cập nhật đổi mới công nghệ (Ảnh Thanh Minh) |
Mặt khác, ngành giấy và ngành bao bì là những ngành công nghiệp hỗ trợ, đồng hành với nhiều ngành sản xuất và kinh tế khác, đặc biệt là đối với các ngành có tỷ trọng xuất khẩu сао, cần sử dụng giấy bao bì để đóng gói như: Dệt may, da giày, đồ gỗ, nông thủy sản, linh kiện, thiết bị điện tử...
Số liệu thống kê của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho thấy, hiện ngành giấy có hơn 500 doanh nghiệp, đã có nhiều doanh nghiệp quy mô sản xuất từ 100 nghìn tấn/năm trở lên. Trong đó, nhiều dự án đầu tư có công suất lớn đang hoạt động (công suất mỗi dự án khoảng 400.000 - 500.000 tấn/năm), và đương nhiên sẽ dẫn tới việc giảm dần các doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ không đủ sức cạnh tranh, cũng như điều kiện tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường ngày càng chặt chẽ.
Để đóng góp vào sự phát triển kinh tế Việt Nam, đáp ứng được thị trường cũng như phát triển bền vững, Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp ngành giấy phải cố gắng vượt qua thách thức, luôn cập nhật đổi mới công nghệ, đầu tư thiết bị với quy mô ngày càng lớn. Đặc biệt, sự kết nối với nhau rất quan trọng nhằm tìm hiểu nhu cầu, mẫu mã sản phẩm, xúc tiến thương mại, trong đó sợi dây gắn bó với ngành bao bì là rất cần thiết và hữu cơ.
Theo báo Công Thương
(Trong khuôn viên Tổng Công Ty Thái Sơn - Bộ Quốc Phòng)
Điện thoại: 028 6658 9888
Email: [email protected]