Bên cạnh đó, ngành Công Thương Nghệ An cũng đã triển khai có hiệu quả việc hỗ trợ từ các chính sách của tỉnh và Trung ương như: Hỗ trợ các chủ thể tham gia trong liên kết tiêu thụ sản phẩm từng bước hiện đại hóa sản xuất, ứng dụng công nghệ để quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất an toàn, kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi bán ra thị trường, bảo đảm sản phẩm được tiêu thụ trong chuỗi giá trị đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và các nước nhập khẩu. Đặc biệt, quan tâm hướng dẫn sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn Global GAP, VietGap, Organic, GMP, HACCP, ISO,...
Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An Phạm Văn Hóa tại gian hàng công nghiệp nông thôn của tỉnh Nghệ An tham gia hội chợ tại Pnongpenh Camphuchia. Ảnh: Sở Công Thương Nghệ An. |
Trong giai đoạn 2021-2023, ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản là 5.006,6 triệu đồng. Đến nay, Sàn giao dịch TMĐT Nghệ An đã hỗ trợ được hơn 470 doanh nghiệp và thương nhân đăng ký thành viên tham gia và thiết lập gian hàng; thu hút trên 9,2 triệu lượt truy cập; giới thiệu và chào bán 3.723 các sản phẩm và dịch vụ. Tính đến hết tháng 9/2023, số cơ sở sản xuất CNNT Nghệ An được đưa lên các sàn thương mại điện tử là 266.373 cơ sở, tổng số sản phẩm được đưa lên sàn là 7.653 sản phẩm, xếp thứ 5 cả nước về số sản phẩm CNNT được đưa lên sàn.
Giai đoạn 2021-2023, tỉnh Nghệ An đã tổ chức hội nghị kết nối giao thương, hội nghị kết nối khách hàng, nhà phân phối, cửa hàng thực phẩm tiện lợi với nhà sản xuất để tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản, sản phẩm OCOP của tỉnh Nghệ An, hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản vùng miền tại Nghệ An để giới thiệu gần 300 doanh nghiệp kết nối tiêu thụ với các hệ thống siêu thị, nhà phân phối, bán buôn trong cả nước như hệ thống siêu thị Winmart +, Siêu thị Go Vinh; MM Mega Market, Lotte, BRG, Tứ Sơn - An Giang, Wincomecer, Công ty TNHH TM OCOP Việt Nam, AEON, ….
Toàn tỉnh hiện có 223 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện, 96 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, 26 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và 16 sản phẩm CNNT cấp quốc gia và góp phần xây dựng sản phẩm OCOP mà đến nay đã có hơn 450 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên. Nhiều cơ sở CNNT đã xuất khẩu sản phẩm đến các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu,...Đến nay, tỉnh Nghệ An cũng đã phát triển được hơn 33.271 cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc ngành nghề nông thôn, tạo việc làm cho trên 135.000 lao động.
Ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, hay nói cách khác là chuyển đổi số trong phát triển công nghiệp nông thôn là việc làm hết sức quan trọng để thúc đẩy lĩnh vực này. Vậy Sở đã triển khai các chương trình hỗ trợ như thế nào để giúp các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn chuyển đổi số?
Chuyển đổi số (CĐS) được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân; CĐS triển khai trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề dễ làm trước, khó làm sau, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, thực hiện một cách bài bản, thực chất, hiệu quả, tránh tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, lãng phí. Thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-TU ngày 05/8/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về CĐS tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch CĐS tỉnh Nghệ An đến năm 2025.
Lãnh đạo Sở Công Thương Nghệ An thăm các cơ sở công nghiệp nông thôn. Ảnh: Sở Công Thương Nghệ An. |
Để chủ động tham mưu triển khai thực hiện hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh tiếp cận và hành động kịp thời lộ trình CĐS, Sở đã triển khai một số nội dung nhằm giúp cơ sở CNNT trong công tác CĐS như: Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức các lớp tập huấn về công tác CĐS cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề… trên địa bàn tỉnh. Nội dung đào tạo bao gồm việc áp dụng CNTT trong quản lý doanh nghiệp, sử dụng phần mềm quản lý, thương mại điện tử, và marketing số. Ngoài các buổi hội thảo, tập huấn, Sở còn tổ chức các chương trình tư vấn trực tiếp cho từng doanh nghiệp về lộ trình CĐS phù hợp, giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về những bước cần thực hiện.
Hỗ trợ các cơ sở CNNT được quảng bá rộng rãi trên nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Hầu hết các doanh nghiệp đều sử dụng nền tảng số/ứng dụng CNTT như Email, Zalo, Facebook, trang thông tin điện tử… để trao đổi, quảng bá thông tin. Hơn 95% cơ sở CNNT của tỉnh Nghệ An đã lên các sàn TMĐT.
Thông qua chương trình khuyến công hỗ trợ các doanh nghiệp nông thôn đổi mới máy móc, thiết bị công nghệ nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và sản xuất; hỗ trợ và giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai phần mềm quản lý doanh nghiệp, quản lý sản xuất, và kế toán. Những phần mềm này giúp tăng cường tính minh bạch, giảm bớt quy trình thủ công và nâng cao hiệu quả quản lý. Hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ số để tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất và lưu thông hàng hóa.
Với những kết quả đó, hiện nay Sở Công Thương Nghệ An đã và đang nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp và cơ sở CNNT trong quá trình CĐS thông qua các chương trình khuyến công, đào tạo, hỗ trợ công nghệ, tài chính, và hợp tác với các tổ chức công nghệ. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao hơn, cần có sự đồng bộ giữa chính sách hỗ trợ từ trung ương và địa phương, cùng với sự chủ động của các doanh nghiệp trong việc ứng dụng các công nghệ mới.
Trong quá trình triển khai, ông thấy còn có những khó khăn gì và kiến nghị ra sao để công tác chuyển đổi số ở các cơ sở công nghiệp nông thôn đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.
Trong quá trình triển khai hỗ trợ CĐS trong các cơ sở CNNT còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: Hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông chưa đồng bộ. Cụ thể, ở nhiều khu vực nông thôn tại Nghệ An, hạ tầng viễn thông và internet chưa phát triển mạnh, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa. Điều này gây khó khăn trong việc truy cập internet tốc độ cao, làm hạn chế khả năng ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là các giải pháp dựa trên nền tảng trực tuyến. Sự phát triển hạ tầng công nghệ thông tin giữa các khu vực còn không đồng đều. Các khu vực gần thành phố có điều kiện tốt hơn, trong khi các vùng xa trung tâm gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận internet và dịch vụ viễn thông.
Bên cạnh đó, đa số cơ sở CNNT còn hạn chế trong việc nhận thức được tầm quan trọng của CĐS. Nhiều chủ doanh nghiệp chưa nhận thấy những lợi ích cụ thể mà CĐS mang lại, hoặc vẫn còn duy trì thói quen sản xuất truyền thống mà chưa có động lực để thay đổi. Lực lượng lao động tại các cơ sở này thường không có đủ kỹ năng và hiểu biết về công nghệ thông tin và số hóa. Việc đào tạo và nâng cao trình độ cho lao động để sử dụng các công cụ số là một thách thức lớn. Nhiều cơ sở gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có chuyên môn về công nghệ số hoặc trong đào tạo nhân viên hiện có.
Ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An thăm các cơ sở công nghiệp nông thôn. Ảnh: Sở Công Thương Nghệ An |
Vấn đề nữa là các cơ sở CNNT thường là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, có nguồn lực tài chính hạn chế. CĐS đòi hỏi chi phí ban đầu khá lớn để đầu tư vào hạ tầng công nghệ, phần mềm quản lý và đào tạo nhân viên. Điều này gây áp lực tài chính lớn cho các cơ sở khi phải vừa duy trì hoạt động sản xuất vừa đầu tư cho chuyển đổi số.
Khó khăn trong tiếp cận các gói hỗ trợ tài chính cũng là vấn đề đáng phải bàn. Mặc dù có các chính sách hỗ trợ từ nhà nước, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng tiếp cận được các gói hỗ trợ tài chính do các thủ tục hành chính phức tạp hoặc thiếu thông tin về các chương trình hỗ trợ. Nhiều cơ sở CNNT nhỏ lẻ ở khu vực nông thôn không có đủ nguồn lực kỹ thuật để tự triển khai các giải pháp CĐS. Các cơ sở này thường không có đội ngũ công nghệ thông tin chuyên nghiệp để xử lý các vấn đề kỹ thuật hoặc bảo trì hệ thống. Các giải pháp công nghệ hiện đại có thể không phù hợp với nhu cầu và khả năng của các cơ sở CNNT. Họ cần các giải pháp vừa dễ sử dụng, vừa có chi phí thấp, nhưng các giải pháp này chưa phổ biến hoặc chưa được tùy chỉnh phù hợp với quy mô nhỏ của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở CNNT đã quen với phương thức sản xuất truyền thống và gặp khó khăn trong việc thay đổi mô hình quản lý hoặc sản xuất dựa trên công nghệ. CĐS yêu cầu các thay đổi lớn trong cách thức vận hành và quản lý, điều mà nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng thực hiện. Đối với các cơ sở sản xuất CNNT, việc chuyển từ mô hình quản lý thủ công sang quản lý số hóa có thể là một quá trình phức tạp. Quá trình này không chỉ đòi hỏi thay đổi về công nghệ mà còn cần phải tái cơ cấu lại quy trình sản xuất và quản lý, gây ra tâm lý lo ngại cho doanh nghiệp.
Thiếu mô hình thực tế và minh chứng thành công để học hỏi, các khu vực nông thôn, các doanh nghiệp chưa có nhiều mô hình CĐS hoặc ứng dụng công nghệ số thành công để học hỏi. Việc thiếu đi những mô hình thực tế này làm giảm động lực của các doanh nghiệp khác trong việc áp dụng công nghệ mới. Tâm lý phần lớn của các doanh nghiệp hiện nay là thường muốn thấy kết quả cụ thể trước khi quyết định đầu tư.
Ngoài ra, các cơ sở CNNT tại Nghệ An thường hoạt động riêng lẻ và chưa có nhiều sự kết nối với nhau. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt trong việc chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp công nghệ và các nguồn lực để hỗ trợ quá trình CĐS. Mặc dù nhà nước và địa phương đã có những chính sách khuyến khích CĐS, nhưng việc triển khai các chính sách này ở cấp cơ sở vẫn còn nhiều bất cập. Quy trình tiếp cận chính sách hỗ trợ đôi khi còn phức tạp và khó khăn, dẫn đến việc các doanh nghiệp nhỏ lẻ khó có thể tiếp cận các nguồn hỗ trợ một cách hiệu quả. Các quy định về công nghệ số và thương mại điện tử ở khu vực nông thôn vẫn chưa được hoàn thiện và thực hiện triệt để, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi muốn mở rộng hoạt động kinh doanh qua các nền tảng số.
Xin cảm ơn ông!