Xu hướng sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới do Chính phủ các nước phát triển đã và đang ban hành hàng loạt quy định nhằm chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Yêu cầu phát triển bền vững tại các thị trường xuất khẩu lớn đã đặt ra thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp da giầy của Việt Nam (Ảnh: Cấn Dũng) |
Có thể kể đến Chiến lược về hàng dệt may tuần hoàn và bền vững của EU được giới thiệu vào tháng 6/2023; quy định về Thiết kế sinh thái cho sản phẩm bền vững (ESPR) của EU sẽ có hiệu lực đầy đủ vào năm 2025, đặt ra các tiêu chuẩn thiết kế tối thiểu về khả năng vải chế, độ bền, khả năng tái sử dụng, khả năng sửa chữa và sử dụng các chất độc hại cho các sản phẩm được bán tại EU…
Bên cạnh đó, nhằm hạn chế việc “tẩy xanh”, EU cũng dự kiến ban hành Chỉ thị về tuyên bố xanh (EU’s Green Claim Directive). Theo đó các công bố về phát triển bền vững của các nhãn hàng sẽ phải cụ thể và có dữ liệu chứng minh, được cơ quan độc lập xác minh và phải được truyền đạt cẩn trọng. Quy định này sẽ thúc đẩy các nhãn hàng lựa chọn nhà cung cấp thận trọng hơn.
Theo Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, da giày được xác định là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước; giữ vững vị trí thứ hai trong nhóm các quốc gia sản xuất và xuất khẩu sản phẩm da giày hàng đầu thế giới; phát triển hiệu quả và bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước; tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển được một số thương hiệu tầm khu vực và thế giới.
Mặc dù vậy, theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) Phan Thị Thanh Xuân, ngành da giày đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Nếu như trước đây, các hoạt động về phát triển bền vững chủ yếu do khách hàng đưa ra và mang tính khuyến khích, thì ngày nay đã được luật hóa thông qua chính sách được ban hành từ chính phủ của các quốc gia nhập khẩu sản phẩm da giày lớn.
Điển hình như, thị trường Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra một loạt chính sách mới về sản phẩm sinh thái, hay là trách nhiệm mở rộng đối với nhà sản xuất, truy xuất chuỗi cung ứng, tái chế, đặc biệt là yêu cầu về giảm thiểu phát thải carbon...
“Tất cả những quy định này nhằm tăng chất lượng và tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế tuần hoàn trong ngành. Song những chính sách này đang tác động tới toàn bộ chuỗi cung ứng, tạo ra thách thức rất lớn đối với các nhà sản xuất, trong đó có Việt Nam”, bà Phan Thị Thanh Xuân chia sẻ.
Tại hội nghị Quốc tế ngành da giày lần thứ 41 (CIFA 41) diễn ra ngày 09/7/2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, vấn đề “xanh hóa” đã trở thành nội dung chủ chốt của hội nghị. Trong bài phát biểu của mình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã nhấn mạnh: Xu hướng xanh hoá trên thế giới đang ngày càng đòi hỏi khắt khe đối với doanh nghiệp (DN), nhất là doanh nghiệp xuất khẩu. Do vậy, phải chuyển đổi xanh, hướng đến kinh tế tuần hoàn nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Thuấn- Chủ tịch Hiệp hội Da- Giầy- Túi xách Việt Nam thừa nhận còn rất nhiều thách thức để các doanh nghiệp sản xuất trong lộ trình chuyển đổi xanh.
Ông Thuấn cho rằng: Chuyển đổi xanh đang tạo áp lực cho ngành da giày rất lớn. Tuy nhiên, là lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở các quốc gia đang phát triển, doanh nghiệp ngành da giày đều nhận thấy trách nhiệm xã hội trước "xu thế xanh".
Ở một góc độ khác, ông Trần Anh Tuấn, đại diện công ty giày Viễn Thịnh (Việt Nam), cho biết: những thách thức về công nghệ, năng suất lao động và hàng loạt những tiêu chuẩn khắt khe trong lĩnh vực như tiêu chuẩn môi trường, chất lượng sản phẩm... là những đòi hỏi mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được cho sân chơi toàn cầu.
Tái cấu trúc- lời giải cho doanh nghiệp da giầy trong lộ trình xanh hóa
Cơ hội và tiềm năng phát triển ngành da, giày và túi xách Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên, xu hướng “xanh hoá” trên thế giới ngày càng đòi hỏi khắt khe đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu. Đối với doanh nghiệp ngành da giày, áp lực chuyển đổi xanh càng rất lớn khi dệt may và da giày là ngành gây ô nhiễm môi trường lớn thứ hai trên thế giới.
Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững không chỉ là xu hướng chung mà còn là yêu cầu bắt buộc đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngành da giày; đồng thời cũng là cơ hội để ngành da giày Việt Nam nâng cao giá trị thương hiệu và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Việt Nam đang là nước thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ về sản xuất da giày và đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu (Ảnh: Cấn Dũng) |
Ông Nguyễn Đức Thuấn, khẳng định: “Doanh nghiệp da giày không thể đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0, áp dụng dây chuyền sản xuất tự động, trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển xanh nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Theo ông Thuấn, vấn đề nghiên cứu phát triển trong thiết kế, nguyên vật phụ liệu, đầu tư ứng dụng công nghệ và phương thức phân phối, kênh phân phối cũng cần có sự thay đổi – hướng đến yếu tố chất lượng, thẩm mĩ, giảm chi phí, giảm phát thải CO2 hướng đến yếu tố phục vụ cho người tiêu dùng đầu cuối.
Theo Hiệp hội Da - Giày Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam đạt trên 6,5 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong năm 2024, Hiệp hội dự báo kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt khoảng 26-27 tỷ USD.
Việt Nam đang là nước thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ về sản xuất da giày và đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu.
Do vậy, để tuân thủ và đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế, bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cấp rất nhiều nhằm củng cố năng lực nội tại.
Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất da giày tại Việt Nam đang nỗ lực học hỏi, áp dụng các phương pháp xanh vào quy trình sản xuất, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao vị thế của ngành da giày Việt trên thị trường quốc tế.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Giày Gia Định Nguyễn Chí Trung cho rằng, để phát triển bền vững, giữ được các đơn hàng và thị trường, doanh nghiệp cần tái cơ cấu sản xuất gắn với tiết giảm chi phí kinh doanh; đồng thời, nâng cao năng lực thiết kế, xây dựng thương hiệu, ứng dụng nguyên liệu mới, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của nhà nhập khẩu.
Trên thực tế, trong năm 2023, Việt Nam đã hụt hơi so với Bangladesh trên con đường xanh hóa, dẫn tới mất nhiều cơ hội với các đơn hàng châu Âu. Đối thủ của Việt Nam trong lĩnh vực dệt may đã có tới 153 nhà máy đạt tiêu chuẩn LEED (chứng nhận về công trình xanh) vào năm 2023 và có thêm 500 nhà máy đã nộp hồ sơ để được cấp chứng nhận này. Điều này đã tạo áp lực khiến các DN của Việt Nam phải nhanh chân hơn trên hành trình chuyển đổi xanh.
Tuy nhiên, dù ở thế chủ động hay bị động, các doanh nghiệp đều đã thừa nhận rằng xanh hóa là “con đường một chiều” không thể đảo ngược trong bối cảnh hiện nay.
Theo Báo Công Thương