Để tạo thuận lợi cho ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, thời gian qua nhà nước cũng có nhiều chính sách như hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Gần đây nhất, đầu năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 71/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 68/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình Phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025.
Theo Quyết định, từ năm 2021 đến năm 2025, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thực hiện kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Trong đó bao gồm các hoạt động: Khảo sát, đánh giá nhu cầu, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm soát chất lượng cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; tổ chức đánh giá, xác nhận năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; lựa chọn và công nhận các doanh nghiệp có trình độ và quy mô đáp ứng yêu cầu quốc tế; tổ chức các diễn đàn giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với các doanh nghiệp trong và ngoài nước; xúc tiến thị trường nước ngoài, tham gia chuỗi sản xuất…
Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ khá đa dạng, song theo các chuyên gia kinh tế, việc triển khai các chính sách ưu đãi với ngành công nghiệp hỗ trợ vào thực tế vẫn còn nhiều hạn chế. Một số điều kiện để hưởng ưu đãi trong quy định khá ngặt nghèo, chưa thật sự phù hợp, khiến cho các doanh nghiệp rất khó tiếp cận và khó đáp ứng được yêu cầu để hưởng chính sách.
Bên cạnh đó, một hạn chế trong chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam chưa có sự ràng buộc và cũng chưa khuyến khích để các doanh nghiệp nước ngoài tăng tính lan tỏa cho các doanh nghiệp trong nước.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Xuân Thuý cho rằng: Có một vấn đề đang tồn tại là, một số doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhưng cuối cùng sau một thời gian lại chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Qua đó để thấy rằng, vấn đề ở đây chưa hẳn là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, mà là do chính sách vĩ mô đang có vấn đề, khiến cho ngành bất động sản tạo ra một lợi nhuận “quá kinh khủng”.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Xuân Thuý, nhiều doanh nghiệp cho biết, rất muốn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nhưng cũng không làm được, vì làm thì không có lãi, trong khi cơ hội tiếp cận nguồn vốn, công nghệ lại rất khó khăn.
Các doanh nghiệp nước ngoài mong muốn tìm kiếm nhà cung cấp tại Việt Nam nhưng không được. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Xuân Thuý: Sự tìm kiếm đó hoàn toàn từ phía chủ động của các doanh nghiệp, nên chưa mang lại nhiều hiệu quả.
Để sự tìm kiếm này thực sự mang lại hiệu quả, bà Nguyễn Thị Xuân Thuý đưa ra đề xuất: Các cơ quan chức năng cần thực sự vào cuộc, chủ động kêu gọi tất cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang có nhu cầu tìm kiếm những nhà cung cấp Việt Nam, gom vào thành một chương trình và có những chính sách kết nối với khu vực doanh nghiệp trong nước, thì khi ấy cơ hội cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước sẽ rất lớn.