x
THÔNG BÁO
x
ĐĂNG NHẬP
x
ĐĂNG KÝ
(Miễn phí)
1
Xác thực
2
Thông tin
3
Hoàn tất
Email
Mã bảo vệ
481531
Tiếp tục
x
x
Quên mật khẩu
Hủy
x
ACTIVE VIP

Vui lòng chọn gói VIP mong muốn

Vip 1 Năm

5,000,000đ

Chọn

Liên Hệ Tư Vấn Thêm

Chọn
Hủy

    Tin công nghiệp

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực

    Kinh tế duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực

    Sáng 20/5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

    Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái
    Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái

    Thông tin về kết quả đạt được những tháng đầu năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020-2023; đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ. Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

    Trong 4 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách nhà nước đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1%; kim ngạch xuất khẩu tăng 15%; xuất siêu 8,4 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 17,46% kế hoạch, cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Tổng vốn FDI đăng ký đạt 9,27 tỷ USD, tăng 4,5%, trong đó vốn FDI đăng ký mới đạt 7,11 tỷ USD, tăng 73,2%; FDI thực hiện đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Nhiều tập đoàn lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo…

    "Kinh tế duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo" - Phó Thủ tướng khẳng định.

    Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ giảm 2,5%); trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,3% (cùng kỳ giảm 2,9%); sản xuất và cung ứng điện, xăng dầu được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt. Lũy kế 4 tháng đầu năm, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia đạt 96,155 tỷ kWh, tăng 12,42% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 30,96% kế hoạch (310,6 tỷ kWh).

    Thương mại, dịch vụ tiếp tục có bước phát triển khá. Trong 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5%. Hoạt động dịch vụ vận tải được cải thiện, nhất là vận tải đường sắt có nhiều đổi mới. Du lịch tiếp tục phục hồi nhanh với gần 6,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019.

    Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đẩy mạnh, nhất là các công trình hạ tầng giao thông, năng lượng quan trọng,trọng điểm quốc gia; trong đó, khởi công dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, mở rộng Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; đưa vào khai thác đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (30 km), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (79 km), nâng tổng số km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên hơn 2.000 km.

    Công tác quy hoạch tiếp tục được chú trọng triển khai; có 110/111 quy hoạch đã hoàn thành viêc lập, thẩm định, phê duyệt; hầu hết quy hoạch ngành, lĩnh vực, tỉnh được phê duyệt, công bố và tổ chức thực hiện, đặc biệt là đã phê duyệt toàn bộ 6 quy hoạch vùng kinh tế xã hội và trình Quốc hội phê duyệt Quy hoạch không gian biển quốc gia.

    Làm mới các động lực tăng trưởng

    Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho hay, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đó là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô. Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

    khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
    Khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

    Các động lực tăng trưởng truyền thống gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Các động lực tăng trưởng mới gồm đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách; liên kết vùng; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…

    Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; mở rộng cơ sở thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và chống thất thu thuế, nhất là từ hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, thương mại điện tử xuyên biên giới…; thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử, không để chậm trễ kéo dài.

    Triệt để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, nhất là chi thường xuyên; rà soát, kiên quyết cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết. Tăng cường quản lý giá cả, thị trường, có lộ trình phù hợp điều chỉnh giá các hàng hóa,dịch vụ do Nhà nước quản lý.

    Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp với tình hình thị trường và mục tiêu đề ra.

    Quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công kích hoạt và dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công tư; khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn của các bộ, cơ quan, địa phương chưa phân bổ hoặc chậm giải ngân sang các bộ, cơ quan, địa phương khác giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng,trọng điểm quốc gia và các Chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao.

    Tăng cường xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường lớn, khai thác thị trường tiềm năng, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết. Đẩy nhanh đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do với các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Khối thị trường chung Nam Mỹ... Phát triển mạnh thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng, thực hiện tốt Cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

    Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành, lĩnh vực mới nổi, mô hình kinh doanh mới.

    Đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng theo hướng tăng cường tính chủ đạo của ngân sách trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương. Tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, tập trung chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém. Triển khai hiệu quả Đề án cơ cấu lại, chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; tích cực tham gia và thực hiện các dự án quy mô lớn, có tính lan tỏa cao. Tập trung xử lý các doanh nghiệp, dự án chậm tiến độ, thua lỗ kéo dài.

    "Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Đề xuất các cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mới nổi, dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao. Triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII; sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách mới về điện. Bảo đảm an ninh năng lượng, cung ứng xăng dầu, không để thiếu điện trong mọi tình huống" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

    Bên cạnh đó, tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Phát triển mạnh nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ, công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh lương thực trong nước và thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Tích cực triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Triển khai đồng bộ các giải pháp để sớm gỡ thẻ vàng IUU...

    Quỳnh Nga

    Nguồn: https://congthuong.vn/pho-thu-tuong-le-minh-khai-san-xuat-cong-nghiep-phuc-hoi-tich-cuc-321152.html

    CÔNG TY TNHH QUỐC TẾ AMAKI
    Địa chỉ: Toà nhà N7, số 3 đường 3/2, phường 11, Quận 10, Tp. HCM
    (Trong khuôn viên Tổng Công Ty Thái Sơn - Bộ Quốc Phòng)
    Điện thoại: 028 6658 9888
    Email: [email protected]
    bộ công thương

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực