Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 ghi nhận một bước tiến quan trọng trong ngành hàng không Việt Nam, khi máy bay huấn luyện TP-150 lần đầu tiên ra mắt công chúng. Được sản xuất bởi công ty Flying Legend Vietnam, TP-150 không chỉ là chiếc máy bay đầu tiên do Việt Nam chế tạo mà còn mở ra những khát vọng lớn lao về một nền công nghiệp hàng không tự chủ.
TP-150 là loại máy bay huấn luyện sơ cấp và tuần tra, được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế như EASA CS-VLA và FAA Experimental Aircraft. Đây là kết quả hợp tác giữa Flying Legend Italy và Flying Legend Vietnam, với quá trình sản xuất được thực hiện tại nhà máy ở Vĩnh Phúc. Phần cánh, thân và hệ thống càng máy bay được chế tạo, lắp ráp hoàn toàn tại Việt Nam, trong khi động cơ, cánh quạt và hệ thống điện tử nhập khẩu từ châu Âu.
TP-150 là loại máy bay huấn luyện sơ cấp và tuần tra, được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế như EASA CS-VLA và FAA Experimental Aircraft. Ảnh: Thế Duy |
Theo đại diện Công ty Flying Legend Vietnam, tên gọi TP-150 mang ý nghĩa “Trainer & Patrol” (Huấn luyện và Tuần tra), được trang bị động cơ 150 mã lực. Máy bay có khả năng bay với tốc độ gần 300 km/h trong thời gian liên tục 6,5 giờ khi sử dụng thùng dầu phụ, đồng thời thực hiện được các bài bay nhào lộn phức tạp. Bên cạnh đó, khi gắn thêm thiết bị như camera quang hồng ngoại (EO/IR) hay radar khẩu độ tổng hợp (SAR), TP-150 có thể đảm nhiệm các nhiệm vụ tuần tra biên giới và giám sát bờ biển.
Theo ông Trần Hải Đăng, Chủ tịch HĐQT Flying Legend Vietnam, TP-150 được kỳ vọng trở thành sản phẩm chiến lược phục vụ thị trường quốc tế, đặc biệt tại Nam Mỹ, Bắc Phi và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. “Những chiếc máy bay này sẽ góp phần hiện đại hoá đội bay và tăng cường năng lực huấn luyện phi công trong nước,” ông đầy tự hào chia sẻ.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Nhà sáng lập, Giám đốc Kỹ thuật Công ty Cổ phần Flying Legend Vietnam - cho biết, nếu chiếc máy bay này được sử dụng trong huấn luyện phi công ở Việt Nam, sẽ góp phần hiện đại hóa đội bay và tăng cường năng lực huấn luyện đào tạo người lái máy bay trong nước. Ngoài ra, sản phẩm này sẽ góp phần hiện thực hóa Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp mới được Quốc hội phê chuẩn gần đây.
“Vì được sản xuất ở Việt Nam nên chúng ta hoàn toàn chủ động về về trang thiết bị vật tư, khí tài. Bình thường, nếu hoạt động máy bay của các nước khác, sau này trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa và khai thác, chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào nhà cung cấp nước ngoài. Cụ thể, trong những năm dịch bệnh vừa qua, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy, chúng ta khó cung ứng vật tư, phụ tùng thay thế cho nó. Thế nhưng khi được sản xuất và chế tạo ở Việt Nam, chúng ta chủ động hoàn toàn trong công tác bảo đảm kỹ thuật” - Nhà sáng lập, Giám đốc Kỹ thuật công ty Cổ phần Flying Legend Vietnam thông tin.
Khi triển khai xây dựng nhà máy sản xuất ở Việt Nam năm 2023, nhóm sáng lập Công ty này nhận thấy, đây không chỉ là một chiếc máy bay phù hợp với huấn luyện bay cơ bản trong quân sự, mà còn đánh dấu một bước tiến trong việc sản xuất máy bay nói riêng ở Việt Nam và nền công nghiệp quốc phòng nói chung, góp phần hiện thực hóa khát vọng vươn mình của người Việt trong việc làm chủ bầu trời. Sau triển lãm quốc phòng lần này, Công ty Flying Legend Việt Nam mong muốn được cấp phép bay kiểm tra các máy bay trước khi xuất xưởng.
Khách tham quan chụp hình cùng máy bay TP - 150. Ảnh: Thế Duy |
Các phi công và kỹ sư của Italia sang hỗ trợ Việt Nam thực hiện công việc này. Các máy bay sau đó sẽ được xuất khẩu sang các nước theo đơn đặt hàng đã có sẵn.
Ông Francesco Rummolino - CEO Flying Legend Italy, đồng sáng lập Flying Legend Việt Nam - cho rằng: “Thời điểm hiện tại, máy bay này có thể ứng dụng phục vụ cho công tác huấn luyện sơ cấp của phi công quân sự. Đây là sự lựa chọn mang tính chất đầu tư thấp, chi phí thấp. Trong tương lai, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các đối tác tại Việt Nam để phát triển dòng máy bay phục vụ cho ngành hàng không chung nhưng hiện tại, máy bay này chỉ phục vụ cho huấn luyện quân sự”.
Theo ông Nguyễn Hải Đăng, hiện tại, Việt Nam chưa có quy hoạch sân bay chuyên dụng để chế tạo và thử nghiệm máy bay, cũng như các cơ sở thử nghiệm chuyên ngành hàng không. Ngoài ra, quy trình cấp chứng chỉ loại (Type Certificate) và chứng nhận khả phi (Certificate of Airworthiness) cho các dòng máy bay hạng nhẹ tại Việt Nam vẫn còn hạn chế, đòi hỏi sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng.
“Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Quốc phòng, Cục Tác chiến và Quân chủng Phòng không - Không quân trong việc cấp phép thử nghiệm bay. Đây là thông lệ quốc tế và là bước đầu quan trọng giúp chúng tôi đặt niềm tin từ khách hàng quốc tế”, ông Đăng cho biết.
Theo đại diện nhà sản xuất Flying Legend Vietnam, hiện tại, đơn vị này phải đối mặt với hạn chế trong chuỗi cung ứng ngành hàng không. Phần lớn nguyên liệu và thiết bị kiểm tra vẫn phải nhập khẩu, đặt ra "bài toán" cho chính sách đầu tư và thuế nhập khẩu ưu đãi. Ngoài ra, Việt Nam chưa có đội ngũ kỹ sư, giám sát viên và phi công bay thử đạt tiêu chuẩn quốc tế để phân tích và phê duyệt theo quy định.
Trong bối cảnh đó, Flying Legend Vietnam kỳ vọng các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ nhằm tạo đòn bẩy phát triển. “Chúng tôi mong rằng, các tiêu chuẩn của nước ngoài sẽ được chấp nhận khi Việt Nam chưa xây dựng đầy đủ hành lang pháp lý cho ngành công nghiệp sản xuất máy bay. Nếu tiếp tục duy trì cách làm cũ, thủ tục phức tạp, chúng ta sẽ khó lòng thực hiện ước mơ làm chủ bầu trời”, ông Đăng chia sẻ.
Cũng theo đại diện nhà sản xuất tới từ Vĩnh Phúc, sau triển lãm quốc phòng lần này Công ty Flying Legend Việt Nam sẽ nộp hồ sơ tới các quan chức năng như Cục Hàng không Việt nam, Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu để xin chủ trương và hướng dẫn về các thủ tục bay xuất xưởng.
Sự xuất hiện của TP-150 không chỉ mang ý nghĩa thương mại mà còn là biểu tượng cho khát vọng vươn lên của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Cùng với Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp mới được Quốc hội thông qua, TP-150 có thể trở thành hình mẫu cho sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào lĩnh vực chiến lược này.