Tuy nhiên, vẫn có một số sản phẩm công nghiệp dự kiến không đạt so với kế hoạch năm, như: Dăm gỗ nguyên liệu giấy đạt 600 nghìn tấn, đạt 86%; điện sản xuất đạt 1.615 triệu kWh, đạt 79%; bánh kẹo các loại đạt 11.500 tấn, đạt 88%; phân bón đạt 31.000 tấn, đạt 97%; gạch nung các loại đạt 400 triệu viên, đạt 87%. Nguyên do, khó khăn về đầu ra, doanh nghiệp không thể đẩy mạnh tiêu thụ.
Về kết quả sản xuất công nghiệp dự kiến đạt được, Sở Công Thương Quảng Ngãi đánh giá, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024 có những dấu hiệu tích cực nên đa số các ngành công nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng khá. Ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại tiếp tục góp phần lớn vào chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,3% so với năm 2023.
Dù vậy, đại diện Sở Công Thương Quảng Ngãi cũng nhìn nhận, công nghiệp của tỉnh phát triển còn thiên về chiều rộng, thiếu bền vững. Ngoài các sản phẩm chủ lực có chế biến sâu, hàm lượng khoa học công nghệ cao như lọc dầu, thép vẫn còn nhiều các sản phẩm gia công và sơ chế như: May mặc, thuỷ sản, chế biến gỗ… Phát triển công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế, công tác thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ khó khăn. Các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ đã ban hành nhưng việc triển khai chưa đạt hiệu quả cao.
Ngoài ra, nột số dự án đầu tư triển khai chậm tiến độ, chậm đưa vào hoạt động sản xuất, có dự án phải điều chỉnh tiến độ nhiều lần ảnh hưởng đến kết quả hoạt động phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phương án tăng trưởng công nghiệp cho năm 2025
Năm 2025, Sở Công Thương Quảng Ngãi dự kiến 2 phương án tăng trưởng công nghiệp. Trong đó, phương án 2 được lựa chọn với chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2025 đạt 112% (so với năm 2024), trong đó công nghiệp chế biến chế tạo đạt 111,5%.
Cơ sở để lựa chọn phương án này, theo Sở Công Thương Quảng Ngãi, năm 2025 Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động ổn định nên dự kiến sản lượng dầu đạt 7 triệu/năm và Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất dự kiến đưa vào hoạt động dây chuyền 1 của dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với công suất khoảng 2,3 triệu tấn thép HRC vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025 nên dự kiến sản lượng sắt thép đạt 6,65 triệu tấn, tăng 21,5% so với năm 2024.
Đồng thời có 1 số dự án mới đi vào hoạt động trong năm 2025 sẽ góp phần tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, cụ thể: Nhà máy sản xuất khí công nghiệp Messer - Quảng Ngãi; Nhà máy sản xuất nội thất Jaydee Quảng Ngãi; Nhà máy sản xuất vải Z-Wovens Quảng Ngãi; Nhà máy sản xuất hàng thể thao vật liệu mới kỹ thuật Hui Feng Quảng Ngãi.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên, Sở Công Thương cũng đã định hướng các giải pháp. Theo đó, địa phương sẽ tiến hành đánh giá kết quả thực hiện chương trình khuyến công tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025.
Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 998/QĐ-UBND ngày 07/7/2021; xây dựng kế hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2026-2030.
Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình xây dựng các dự án trọng điểm: Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất; Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2; các dự án Nhà máy điện tubin khí hỗn hợp Dung Quất I, Dung Quất II, Dung Quất III.
Thực hiện các nội dung quản lý, phát triển cụm công nghiệp, phấn đấu năm 2025 thu hút 1-2 doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Tổ chức thẩm định, phê duyệt các đề án khuyến công địa phương, thẩm định cơ sở các đề án khuyến công quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp năm 2025. Tổ chức thực hiện Kế hoạch tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia - năm 2025.
Theo dõi tình hình thực hiện các dự án thủy điện Trà Phong, Trà Khúc 1, Trà Khúc 2, Long Sơn, Ba Vì, Sơn Linh, Đăk Đrinh 2. Kiểm tra các chủ đầu tư các dự án thủy điện thực hiện công tác phòng chống lụt bão đảm bảo an toàn đập, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp đập, hồ chứa thủy điện, công tác vận hành của các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh.