Theo thông tin từ Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, tính chung 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh ước tăng 9,55% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, sau sự sụt giảm 5,75% vào tháng 2/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn (IIP) đã có chuỗi 3 tháng tăng liên tiếp với mức tăng lần lượt là 0,37%; 12,71% và 11,06%.
Sau khi sụt giảm 5,75% vào tháng 2/2024, chỉ số IIP trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có chuỗi 3 tháng tăng liên tiếp với mức tăng lần lượt 0,37%; 12,71% và 11,06% |
Trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết, tháng 5/2024 tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có sự tăng trưởng so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Cụ thể, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 2,23% so với tháng trước và tăng 11,06% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, sản lượng sản xuất của một số mặt hàng chủ lực như: Thức ăn chăn nuôi, gạch ốp lát và doanh thu linh kiện điện tử tăng lần lượt: 27,99%, 2,88 và 19,7%.
Tuy nhiên, bên cạnh các mặt hàng tăng trưởng mạnh thì có một số mặt hàng có sản lượng giảm mạnh so với cùng kỳ như: Giày, dép thể thao, xe ô tô các loại và xe máy các loại có sản lượng giảm so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, ô tô giảm 20,18%, xe máy giảm 0,91%; Giày thể thao giảm 18,2%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh ước tăng 9,55% so với cùng kỳ năm trước.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh Vĩnh Phúc vẫn duy trì được mức tăng so với cùng kỳ năm trước như: Doanh thu linh kiện điện tử, gạch ốp lát, thức ăn gia súc. Tuy nhiên vẫn có những sản phẩm có sản lượng sản xuất suy giảm so với cùng kỳ như: Ô tô, xe máy các loại, giày thể thao.
Trong đó, sản phẩm linh kiện điện tử doanh thu dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử ước 15,2% so cùng kỳ. Một số doanh nghiệp trong ngành đã thực hiện di chuyển các công đoạn sản xuất từ các nhà máy ở Hàn Quốc và Trung Quốc về Việt Nam, nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, cắt giảm tối đa chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, một số hãng công nghệ lớn đã đưa ra thị trường các dòng sản phẩm điện thoại thông minh, máy tính bảng mới với nhiều thay đổi trong thiết kế phần cứng và phần mềm, thu hút sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng.
Nhờ đó, các doanh nghiệp sản xuất và hỗ trợ điện tử trên địa bàn tỉnh đã có thêm được nhiều đơn hàng, góp phần ổn định việc làm cho người lao động, phát triển hoạt động sản xuất, gia tăng doanh thu và duy trì sự tăng trưởng cho ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên hoạt động sản xuất của ngành điện tử vẫn đánh giá phụ thuộc phần lớn vào đơn hàng từ các đối tác nước ngoài, các tập đoàn công nghệ lớn như: Google, Dell, Apple, Samsung... trong khi bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm nên về cơ bản, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp điện tử trên địa bàn tỉnh vẫn còn khó khăn và khó duy trì được sự tăng trưởng ổn định, khó đạt được những mốc tăng trưởng cao trên 20% như thời kỳ trước.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh ước tăng 9,55% so với cùng kỳ năm trước |
Gạch ốp lát ước tính sản lượng 5 tháng đầu năm tăng 7,45% so với cùng kỳ năm trước do thị trường tiêu thụ vật liệu xây dựng sau một thời gian dài trầm lắng đến nay đã và đang có dấu hiệu khởi sắc.
Nguyên nhân được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giải thích do nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở và các công trình phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của ngươi dân gia tăng, công tác giải ngân vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tích cực, tiến độ thi công các công trình cơ bản đảm bảo kế hoạch, đã thúc đẩy và mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp gia tăng sản lượng và doanh thu cho các doan nghiệp trong ngành.
5 tháng đầu năm, sản lượng ô tô ước giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2023. Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đây là ngành sản xuất chịu nhiều tác động của nền kinh tế trong và ngoài nước, khiến thị trường tiêu thụ các sản phẩm ô tô trong 5 tháng đầu năm kém sôi động, nguyên nhân chủ yếu do kinh tế khó khăn, thu nhập giảm sút nên người dân hạn chế mua sắm tài sản có giá trị lớn.
Đặc biệt, "thời gian này người tiêu dùng có tâm lý tạm dừng mua xe để chờ chính sách giảm thuế trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước hiện đang được Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất thực hiện trong các tháng cuối năm. Sức mua của thị trường ở mức thấp trong khi lượng xe tồn kho còn nhiều nên các doanh nghiệp trong ngành là: Toyota, Honda đã phải giảm sản lượng để cân đối giữa sản xuất và nhu cầu của thị trường". - UBND tỉnh Vĩnh Phúc thông tin.
Sản lượng xe máy 5 tháng đầu năm ước giảm 0,81% so với cùng kỳ. Mặc dù, trong kỳ, để kích cầu tiêu dùng, nâng cao sức mua, đẩy mạnh lượng xe tiêu thụ và gia tăng doanh số, các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục đưa ra thị trường nhiều mẫu xe mới với thiết kế hiện đại, công nghệ tiên tiến với nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá, nhằm hỗ trợ lệ phí đăng ký, tặng Voucher, tặng quà... Tuy nhiên, do thị trường xe máy tại nước ta hiện nay ở ngưỡng bão hòa trong khi một bộ phận người dân chuyển sang sử dụng ô tô hoặc xe điện thay thế các dòng xe sử dụng động cơ đốt trong nên sức mua thấp, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm xe máy giảm.