Tin công nghiệp
Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, các nhà khoa học, mỗi địa phương trong vùng đều phải nỗ lực để cải thiện môi trường, hướng đến phát triển kinh tế xanh và bền vững.
Nhiều thách thức đặt ra
Theo đánh giá của Trung ương, ĐNB là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển của cả nước. Đây cũng là vùng hội tụ các điều kiện và lợi thế nổi trội để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt công nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế ở vùng có xu hướng chậm lại, đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước giảm, tăng năng suất lao động thấp. Cùng với đó là hàng loạt các thách thức xuất hiện, như: thiếu và không đồng bộ các hạ tầng kỹ thuật, ô nhiễm mỗi trường, gia tăng biến đổi khí hậu gây kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội.
Ở lĩnh vực kinh tế mạnh nhất là công nghiệp, tình trạng gia công, lắp ráp sử dụng dây chuyền, thiết bị cũ vẫn phổ biến. Công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo và công nghệ bán dẫn phát triển chậm. Sự phân bố các khu chế xuất, khu công nghiệp không đồng đều gây áp lực ngược lại cho công tác bảo vệ môi trường, phát triển các hạ tầng phục vụ đời sống và phát triển kinh tế.
PGS-TS Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tại Hội thảo Khu vực ĐNB về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững mới đây nhận định, đầu tàu kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức. Dễ thấy nhất là mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, chưa đồng bộ. Công nghiệp phát triển nhưng thiếu bền vững và giá trị gia tăng thấp. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Hạ tầng xã hội thiếu, nhất là nhà ở cho người thu nhập thấp. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí, rác thải, ngập lụt có chiều hướng gia tăng.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng năm 2023, ĐNB dẫn đầu các khu vực cả nước về chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). Trong đó, Đồng Nai dẫn đầu với vị trí thứ 3, Thành phố Hồ Chí minh đứng thứ 5, Tây Ninh thứ 6, Bà Rịa - Vũng Tàu thứ 8 và 2 địa phương khác cũng nằm trong tốp 30 là Bình Dương và Bình Phước. Điều này chứng tỏ chất lượng quản trị môi trường tại các địa phương trong vùng theo đánh giá của các doanh nghiệp (DN) là rất tốt.
Mặc dù vậy, theo ông Thạch, vùng đang đối mặt với nhiều thách thức kể trên. Hiện tỷ lệ DN được hưởng chính sách đầu tư xanh (ưu đãi chính sách, hưởng lợi từ dịch vụ tư vấn quản lý môi trường, hưởng lợi từ dịch vụ đào tạo khi đầu tư xanh) chưa cao. Tỷ lệ DN có nhu cầu mở rộng đầu tư trong vùng giảm còn 21% so với năm 2006 là 76% và năm 2017 là 52%. Điều này cho thấy, sức hút đầu tư của vùng có giảm.
Sớm hoàn thiện thể chế cho kinh tế xanh
Để hóa giải thách thức, chuyển lợi thế thành động lực cho đầu tàu kinh tế phát triển, thời gian qua, Trung ương đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng cho vùng ĐNB. Đáng chú ý nhất là Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng ĐNB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết với mục tiêu xây dựng ĐNB thành vùng văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển nhanh, bền vững, hài hòa giữa các tiểu vùng, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Mới đây nhất, tháng 5-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 370/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch vùng ĐNB thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong các mục tiêu hướng đến là trở thành vùng đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế xanh, phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển nhanh hệ thống đô thị xanh, thông minh, hiện đại; cơ bản giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và ngập úng.
PGS-TS Bùi Quang Tuấn cho rằng, các quyết sách quan trọng cho vùng đã có, các địa phương và DN cơ bản nhận thức đầy đủ về kinh tế xanh và phát triển bền vững, vấn đề còn lại là cần hoàn thiện các quy định, tính toán nguồn lực để thực hiện các quyết sách đó. Ví dụ, nhiều địa phương trong vùng có lợi thế khai thác kinh tế biển, như vậy biện pháp cụ thể để phát triển kinh tế tuần hoàn biển là gì, chỉ tiêu đóng góp của từng ngành kinh tế biển, nguồn lực thực hiện...
Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho rằng, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện chất lượng quản trị môi trường địa phương là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, là nền tảng để xây dựng một nền kinh tế bền vững và thịnh vượng. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho các DN phát triển, đổi mới và cạnh tranh lành mạnh, mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thúc đẩy sự phát triển của địa phương.
Có thể thấy, ĐNB là vùng có điều kiện và tiềm lực để dẫn dắt các vùng lân cận trong phát triển kinh tế. Việc hoàn thiện thể chế để vùng hóa giải các thách thức, phát huy lợi thế là vấn đề đặt ra. Cùng với đó, mỗi địa phương cần thực thi tốt các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo vệ môi trường. Thông tin đầy đủ và hỗ trợ cụ thể về thủ tục, tín dụng, thuế để khích lệ DN chuyển đổi sang mô hình sản xuất tuần hoàn, sản xuất xanh từ đó, đóng góp vào phát triển bền vững.
Hoàng Lộc
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nam-bo/202407/cai-thien-chi-so-pgi-giai-phap-de-phat-trien-kinh-te-xanh-172503b/
(Trong khuôn viên Tổng Công Ty Thái Sơn - Bộ Quốc Phòng)
Điện thoại: 028 6658 9888
Email: [email protected]