Tin công nghiệp
Cần nguồn nhân lực tương xứng
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, thị trường chip bán dẫn thế giới dự kiến đạt doanh thu 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Vì vậy, đến năm 2030 cần khoảng 1 triệu lao động cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử chip.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bán dẫn lớn đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tận dụng nguồn nhân lực trẻ, có trình độ tại các nước châu Á; trong đó có Việt Nam. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất chip bán dẫn; đồng thời sẽ tạo ra 154.000 việc làm gián tiếp, đóng góp 360.000 tỷ đồng vào GDP.
Đến nay, Việt Nam có khoảng 50 doanh nghiệp làm về dịch vụ thiết kế vi mạch, trong đó, phần lớn là doanh nghiệp FDI trong ngành vi mạch bán dẫn từ các nước, vùng lãnh thổ phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan... với lực lượng lao động ước gần 5.000 kỹ sư. Phần lớn các doanh nghiệp này đặt tại TP. Hồ Chí Minh. Cùng với đó, nhiều công ty trong nước cũng đã gia nhập thị trường như Viettel, FPT, VNchip… Dự báo năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam vượt giá trị 6,16 tỷ USD.
Báo cáo của Công ty Technavio cho thấy, thị trường bán dẫn Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5%/năm. Thế nhưng, thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực đã trở thành khó khăn lớn của ngành công nghiệp bán dẫn. Đến cuối năm 2023, cả nước có hơn 5.500 kỹ sư thiết kế chip; nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam là 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng chưa đến 20%.
Theo ông Nguyễn Phúc Vinh - Giám đốc kỹ thuật Synopsys Việt Nam, ngành công nghiệp chip bán dẫn có thu nhập rất hấp dẫn, tăng đều hàng năm. Trong đó, kỹ sư thiết kế vi mạch mới ra trường thu nhập sau thuế gần 220 triệu đồng/năm; người làm việc kinh nghiệm lâu năm thu nhập từ 1,3 - 1,5 tỷ đồng/năm.
Về công tác đào tạo, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, có khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học có khả năng tham gia đào tạo lĩnh vực công nghệ bán dẫn, tuy nhiên số lượng cơ sở đào tạo có kinh nghiệm, có truyền thống còn rất ít.
Tại cuộc làm việc về Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" ngày 22.4, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao đang là một điểm nghẽn lớn hiện nay trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao nằm ở quy luật khách quan trong quan hệ cung - cầu giữa hệ thống giáo dục đào tạo và thị trường lao động.
Bổ sung chính sách đặc thù
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đánh giá, ngành công nghiệp bán dẫn, vi mạch là một ngành có tiềm năng rất lớn trong tương lai về nhu cầu nhân lực trình độ cao, chất lượng cao, đòi hỏi mức đầu tư cao và đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực sẵn có.
Ông Sơn cũng nhận định, hai khâu trong ngành công nghiệp bán dẫn mà Việt Nam có lợi thế là thiết kế, đóng gói, kiểm thử chip và các trường đang rất cần dự báo chính xác về nhu cầu nhân lực vi mạch bán dẫn để xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo hữu hiệu. Cơ chế chính sách phải xây dựng rất nhanh, nguồn lực sẵn sàng để khi Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" được phê duyệt thì triển khai được ngay.
Tham mưu về các vấn đề chính sách cũng như đề cập đến "bẫy" đào tạo nhân lực thực hành, gia công trong công nghiệp vi mạch bán dẫn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái đề nghị, đầu tư mạnh cho hoạt động nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, có chính sách ưu tiên cụ thể cho các bên tham gia "hệ sinh thái" đào tạo nhân lực công nghiệp bán dẫn (cơ sở đào tạo, nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước).
"Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung ưu tiên triển khai một số chương trình khoa học, công nghệ quốc gia để phục vụ cho ngành công nghiệp bán dẫn" - ông Thái chia sẻ.
Từ góc độ một chuyên gia lao động, TS. Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, nguồn nhân lực bán dẫn của Việt Nam đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.
"Do đó, tùy theo nhu cầu, Việt Nam cần xác định tham gia ngành công nghiệp bán dẫn từ đâu, khâu nào trong chuỗi cung ứng; lựa chọn công nghệ sản xuất nào để làm cơ sở cho việc kịp thời chuẩn bị đầu tư các nguồn lực phù hợp, đặc biệt là nguồn nhân lực. Đây là cơ sở để xác định quy mô và cơ cấu trình độ nhân lực, vị trí việc làm của người lao động trực tiếp trong ngành công nghiệp bán dẫn ở tất cả các ngành nghề phụ trợ" - ông Bình nói.
Không ít ý kiến cho rằng, cần có sự kết hợp giữa chương trình đào tạo chuyển đổi, cung cấp kiến thức cơ bản về ngành vi mạch, bán dẫn đến chương trình đào tạo chuyên sâu, nhân tài. Bên cạnh đó, chuẩn bị kỹ lưỡng về đội ngũ giảng viên, xây dựng chương trình, giáo trình, phương thức giảng dạy. Đồng thời, Nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo, cùng với sự tham gia của doanh nghiệp, bảo đảm các điều kiện cho hoạt động đào tạo nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/khoa-hoc-moi-truong/can-goi-chinh-sach-giai-con-khat-nhan-luc-nganh-ban-dan-i369999/
(Trong khuôn viên Tổng Công Ty Thái Sơn - Bộ Quốc Phòng)
Điện thoại: 028 6658 9888
Email: [email protected]