Tin công nghiệp
Áp lực chồng áp lực
Từ ngày 1/7 lương tối thiểu vùng tăng từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng tiếp tục tạo áp lực lên cộng đồng doanh nghiệp dệt may.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên – CTCP, việc tăng lương tối thiểu làm tăng chi phí đóng bảo hiểm, phí công đoàn… Với khoảng 2.000 lao động đang làm việc tại công ty mẹ (Công ty May Hưng Yên), ông Dương ước tính, chi phí này sẽ tăng khoảng 4 tỷ đồng mỗi năm, tức là khoảng 2 triệu đồng/người lao động/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2024, May Hưng Yên đã phải tăng lương bình quân lên 10 triệu đồng/người/tháng so với mức bình quân 9,5 triệu đồng/người/tháng của năm 2023.
Ông Cao Hữu Hiếu- Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng cho hay, 6 tháng đầu năm 2024, tập đoàn đã ổn định lực lượng lao động với hơn 63 nghìn lao động cấp 1, nếu xét tới lao động cấp 2 là hơn 155 nghìn lao động. Thu nhập bình quân của người lao động trong nửa tháng đầu năm ước đạt 9,74 triệu đồng/người/tháng (tăng 4,7% so với năm 2023).
Chi phí đầu vào liên tục tăng, doanh nghiệp dệt may xoay sở ra sao? |
Với ngành thâm dụng lao động như dệt may, các chi phí liên quan đến lương, bảo hiểm tăng, trong khi đơn hàng, đơn giá giảm đã khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn bởi không thể tăng lợi nhuận khi thị trường liên tục biến động. Hơn nữa, việc tăng lương tối thiểu vùng khiến các doanh nghiệp phải “gánh” thêm một khoản chi phí nữa, tạo nên áp lực mới cho doanh nghiệp.
Bên cạnh lương tối thiểu tăng, doanh nghiệp dệt may trong nước đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, giá cước vận tải tiếp tục leo thang trong thời gian gần đây. Chỉ số tổng hợp mới nhất của Drewry WCI ngày 4/7 ở mức 5,868 USD/container 40ft, mức đỉnh mới cao nhất trong năm 2024 (mức đỉnh cũ ngày 25/01/2024 ở mức 3,964 USD/container 40ft).
Các tuyến vận tải chính từ Thượng Hải đi các nước đều tăng từ 10-30% trong thời gian gần đây. Tình trạng tắc nghẽn vận tải biển ở châu Á dự kiến sẽ tiếp tục làm giá cước tăng cao hơn nữa.
Cùng đó, đơn hàng của doanh nghiệp đã được cải thiện nhưng số lượng vẫn nhỏ, đơn giá vẫn vẫn thấp hơn 20%, thậm chí là 50% so với thời điểm tháng 6/2019.
Tìm mọi cách giảm chi phí sản xuất
Trước hiện trạng chi phí sản xuất tiếp tục tăng cao, gây áp lực lớn lên doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp dệt may trong nước đã nỗ lực xoay sở để vừa tuân thủ các quy định về thu nhập, tiền lương cho người lao động, vừa có nguồn thu cho dự phòng rủi ro.
Với Tổng công ty May Đáp Cầu - CTCP, để bù đắp chi phí phát sinh từ tăng lương trong khi đơn giá gia công chưa có nhiều cải thiện, doanh nghiệp triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó tập trung tìm các giải pháp để tăng năng suất lao động, cải thiện hiệu suất.
Hiện doanh nghiệp đang triển khai ứng dụng công nghệ, đổi mới trang thiết bị tự động và bán tự động, tìm kiếm những mặt hàng phù hợp với thế mạnh để tạo năng suất, cắt giảm các chi phí không cần thiết. Cùng với đó, các phòng, ban, xí nghiệp và tổ chức công đoàn cũng tuyên truyền, động viên khích lệ người lao động vượt khó cùng doanh nghiệp, phát động các phong trào thi đua để tăng năng suất, có phần thưởng khích lệ đối với những sáng kiến, sáng tạo, từ đó đem lại hiệu quả cho bản thân người lao động và doanh nghiệp.
May Hưng Yên cũng chọn con đường tăng năng suất để tối ưu hóa lợi nhuận, giảm các khâu trung gian và ký kết hợp đồng trực tiếp với nhãn hàng. Theo ông Dương, với các doanh nghiệp có đủ nguồn lực về tài chính, về nhân lực, thì có thể tăng năng suất lao động thông qua kỹ thuật, nếu thực hiện tốt có thể tăng được 5 – 7% năng suất.
Ngoài ra, còn có thể tăng năng suất thông qua công nghệ như đầu tư thêm các máy móc tự động như. Đổi mới về mặt quản lý áp dụng công nghệ số cũng có thể giảm lao động gián tiếp, lao động tại kho, giảm được thời gian phân phối khâu đầu cuối. Theo đó, khi đã có đủ tiềm lực về công nghệ, có phần mềm quản trị tốt, các daonh nghiệp ngành may có thể ký kết đơn hàng trực tiếp với đối tác Mỹ, châu Âu… thay vì thông qua bên trung gian Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) như trước đây.
Nhưng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có đủ tiềm lực về tài chính, theo các chuyên gia, ngoài việc cải tiến trong công tác quản trị, hợp lý hóa tổ chức sản xuất để tăng năng suất và giảm chi phí, thì doanh nghiệp có thể chú trọng khích lệ, động viên người lao động phát huy các ý kiến, ý tưởng nâng cao năng suất, cải tiến quy trình. Cùng với đó, xây dựng mối liên kết giữa các doanh nghiệp, có sự chia sẻ về đơn hàng, xây dựng các nhà máy vệ tinh để trao đổi thông tin kịp thời về thị trường khi tình hình liên tục biến động.
Ngoài ra, doanh nghiệp dệt may cũng được khuyến cáo, tiếp tục linh hoạt trong điều hành, tận dụng tối đa các cơ hội từ thị trường, xác định mặt hàng có tính kỹ thuật khó, đơn hàng nhỏ… nhưng giá trị gia tăng cao để sản xuất thay vì các mặt hàng phổ thông giá rẻ, khó cạnh tranh.
Thường xuyên theo dõi và cập nhật, dự báo các thông tin về thị trường, xây dựng các kịch bản có thể xảy ra và có phương án phù hợp cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nguồn: https://congthuong.vn/chi-phi-dau-vao-lien-tuc-tang-doanh-nghiep-det-may-xoay-so-ra-sao-332880.html
(Trong khuôn viên Tổng Công Ty Thái Sơn - Bộ Quốc Phòng)
Điện thoại: 028 6658 9888
Email: [email protected]