Tin công nghiệp
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ các nước theo chân “ông lớn” vào Việt Nam, ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn loay hoay bài toán “con gà - quả trứng”. Muốn lớn mạnh hơn, DN Việt phải có đơn hàng từ DN FDI, nhưng DN FDI lại chọn DN Việt lớn mạnh, có khả năng làm đơn hàng lớn.
Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án FCPV Foxconn Bắc Ninh tại Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh (Tiên Du, Bắc Ninh).
Vệ tinh theo chân “ông lớn” vào Việt Nam
Dự án nhà máy FCPV Foxconn Bắc Ninh được đầu tư với mục tiêu là sản xuất linh kiện điện tử, chi tiết: Sản xuất, lắp ráp, gia công bảng mạch in PCB (bo mạch in) với tổng công suất là 2.793.000 sản phẩm/năm tương đương 2.899 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 383,3 triệu USD.
Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn khó chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu. |
Việt Nam được đánh giá là địa điểm hấp dẫn các ông lớn như Apple, Canon, LG, Samsung, Google, Panasonic… Tuy vậy, theo chân các thương hiệu này là các nhà cung cấp thuê ngoài cấp 1 như Foxconn, Jabil, Pegatron, Wistron…
Theo số liệu chính thức từ Apple, số lượng nhà cung ứng cho nhà sản xuất Iphone tại Việt Nam tăng 40%, lên 35 vào năm 2023. Tuy vậy, phân tích cho thấy 37% trong số 35 nhà cung ứng tại Việt Nam đến từ Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), bao gồm Luxshare, Goertek, BYD. Cả 3 đều đã mở rộng công suất để phục vụ Apple.
Nhìn thấy cơ hội này, nhiều công ty Trung Quốc đang chuyển dịch mạnh mẽ sang Việt Nam, thậm chí họ tìm mua các DN công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chia sẻ, tăng trưởng xanh, thu hút FDI… được đánh giá là tiềm năng, động lực tăng trưởng mới của Việt Nam, nhưng cá nhân ông nhìn nhận đây sẽ là thách thức. Nguyên nhân là bởi làn sóng đầu tư của Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào Việt Nam, đặc biệt ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Họ đầu tư với quy mô lớn và làm rất nhanh.
Ông Tuất kể trong một lần gặp gỡ chuyên gia người Nhật chuyên về làm khuôn mẫu để phục vụ sản xuất công nghiệp. Vị này đánh giá nếu năm 2000, Trung Quốc chưa làm nổi khuôn mẫu, nay họ có thể làm được hầu hết linh kiện phụ tùng cho một chiếc xe ô tô.
Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã nhiều lần chỉ ra làn sóng đổ bộ công nghiệp hỗ trợ của Trung Quốc vào Việt Nam với quy mô cực lớn và làm cực nhanh. Kéo theo đó là hệ thống các công ty con, hình thành chuỗi sản xuất cụm chi tiết để xuất khẩu sang châu Âu, Bắc Mỹ, tránh hàng rào kỹ thuật và hàng rào thuế quan. Đây là nỗi lo trong cạnh tranh của công nghiệp hỗ trợ.
Về phía DN, bà Trần Thị Kim Quế, Tổng giám đốc công ty Phong Nam Sinhirose, chia sẻ các DN Việt Nam đang bị cạnh tranh rất lớn bởi xung quanh Việt Nam là các quốc gia có nhiều lợi thế về công nghiệp hỗ trợ như Trung Quốc có chi phí nhân công rẻ, sản xuất khối lượng lớn, giá thành hạ. Đồng nghĩa, DN Việt Nam phải kiếm đơn hàng lớn, chứ đơn hàng nhỏ không đủ bù chi phí.
Cần nhiều sáng kiến
Nói về công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần phải nhìn ra gốc của vấn đề. Đó là nhiều DN Việt Nam không đủ sức lớn lên, nói gì tham gia vào chuỗi giá trị, kết nối với DN FDI. “Chúng ta thấy rằng phải gỡ được câu chuyện làm thế nào để DN Việt Nam lớn lên chứ không phải làm cho DN FDI bé đi”, ông Dũng nói.
Nhìn từ câu chuyện thực tế, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết đang có tình trạng DN Việt Nam nói không tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu, không dám mạo hiểm đầu tư nhiều tỷ mà sản phẩm không biết bán cho ai. Ngược lại, DN FDI lại phàn nàn rằng DN Việt không đáp ứng đủ tiêu chuẩn để tham gia cuộc chơi. Đó là câu chuyện “con gà - quả trứng” cần phải tháo gỡ trước.
Theo người đứng đầu ngành KH&ĐT, các DN FDI đi cùng nhau theo hệ sinh thái, vì vậy việc DN Việt "nhảy" ra vào rất khó khăn. Với phân khúc thiết kế, công nghệ lõi rất khó tham gia, còn với phân khúc đại trà thì sản phẩm Việt không thể cạnh tranh được với DN Trung Quốc bởi họ làm nhanh, nhiều và rẻ.
Do vậy, để kết nối cần có bàn tay hỗ trợ từ phía Nhà nước. Hiện, Bộ KH&ĐT đề nghị Nhà nước hỗ trợ cho cán bộ kỹ thuật người Việt tham gia quy trình sản xuất của DN FDI đứng ra khởi nghiệp. “Đây là những người nhanh nhất có quan hệ, công nghệ, tham gia chuỗi giá trị. Vì vậy, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cho họ nếu bản thân họ muốn thành lập DN”, ông Dũng nói.
Cùng với đó, Bộ KH&ĐT đã triển khai làm việc với DN FDI, hiệp hội nước ngoài để nhận chuyển giao công nghệ từ những nước có nền công nghệ tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng phải “rà” lại chính sách để DN công nghiệp hỗ trợ trong nước hấp thụ. Các địa phương phải giành điều kiện thuận lợi nhất giúp DN có mặt bằng, hạ tầng, hỗ trợ về vốn, đào tạo nhân lực... Đồng thời, phải sửa Luật Đầu tư, các luật liên quan để có cơ chế ràng buộc DN FDI liên kết, chia sẻ với các đơn vị trong nước, thay vì khuyến khích như hiện nay.
Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh: “Đầu tư công nghiệp hỗ trợ nói chung và cơ khí nói riêng cần rất nhiều tiền, cần nhiều trình độ, kinh nghiệm mới dám bước vào chuỗi của các nước phát triển đi trước chúng ta rất xa”.
Vì vậy, cần hoàn thiện đồng bộ chính sách, trong đó xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm, phối hợp chặt chẽ trung ương, địa phương và DN. "Chúng ta cần bố trí đủ nguồn lực cho công nghiệp hỗ trợ tới 2025, đào tạo cung cấp nguồn nhân lực hỗ trợ DN, để ngành công nghiệp hỗ trợ đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại", ông nói.
Nhật Linh
Nguồn: https://vnbusiness.vn/viet-nam/cong-nghiep-ho-tro-loay-hoay-bai-toan-con-ga-qua-trung-1100587.html
(Trong khuôn viên Tổng Công Ty Thái Sơn - Bộ Quốc Phòng)
Điện thoại: 028 6658 9888
Email: [email protected]