Còn theo đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK), Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu và đứng thứ 4 trên thế giới và đây là thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp Việt luôn hướng tới. Đức có ngành công nghiệp chế tạo hàng đầu thế giới, và mặc dù có thể tự đáp ứng một phần nhu cầu, nước này vẫn có nhu cầu lớn trong nhập khẩu các sản phẩm phục vụ sản xuất như máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu… Với những tiềm năng này, doanh nghiệp chế tạo sẽ được cung cấp các thông tin cập nhật về những tiêu chuẩn và yêu cầu của các doanh nghiệp Đức khi hợp tác với doanh nghiệp sản xuất chế tạo Việt Nam, giúp các doanh nghiệp Việt nắm bắt rõ hơn về tiêu chuẩn quốc tế và cơ hội thâm nhập thị trường Đức.
Đài Loan là một trong những quốc gia thành công trong việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ứng dụng từ mô hình của Đài Loan cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đại diện Công ty Digiwin Việt Nam cho rằng, con đường nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất Việt Nam cần 4 yếu tố: Đổi mới công nghệ; lợi thế về chất lượng; lợi thế chi phí sản xuất; tốc độ giao hàng và dịch vụ.
Đẩy mạnh kết nối chuỗi liên kết
Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng nhận định, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của chuỗi cung ứng quốc tế, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang đứng trước những cơ hội vàng để tham gia và mở rộng vị thế trên thị trường toàn cầu. Để nắm bắt những cơ hội này, các doanh nghiệp cần hiểu rõ các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế cũng như chuẩn bị đầy đủ về năng lực sản xuất, công nghệ và nhân sự.
Ông Phan Đăng Tuất – Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – cho hay, công nghiệp hỗ trợ là linh hồn của công nghiệp chế tạo quốc gia, cần có những chính sách hỗ trợ tối đa cho công nghiệp. Nhưng nhưng ở Việt Nam sự hỗ trợ vẫn còn dè dặt. Do đó, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn chưa phát huy được khả năng, thế mạnh của mình. Để tiến lên, đứng ngang bằng với các nước trong khu vực và trên thế giới, bên cạnh những chính sách hỗ trợ từ nhà nước, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần sự hợp tác, liên kết của các đối tác từ các nước trên thế giới.
Ông Phan Đăng Tuất – Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo |
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp, trong bối cảnh Việt Nam đang dần trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp quan trọng của khu vực và thế giới, các hội chợ, triển lãm ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ mang lại những cơ hội giao thương quý báu cho các doanh nghiệp Việt Nam và ASEAN.
Trong đó, Triển lãm FBC ASEAN 2024 với chủ đề “Hành trình từ linh kiện đến sản phẩm hoàn chỉnh”, với sự tham gia của các doanh nghiệp quốc tế, đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các công nghệ tiên tiến và học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác hàng đầu thế giới. Đồng thời, đẩy mạnh giao thương, mở rộng cơ hội hợp tác trong chuỗi giá trị đa ngành, từ công nghệ sản xuất đến chuyển đổi số, liên kết cùng phát triển.