Tin công nghiệp
Sôi động loạt dự án đầu tư FDI mới tại các địa phương
Ngày 3/7, UBND tỉnh Quảng Ninh đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án của Công ty Foxconn Singapore PTE Ltd, thuộc Tập đoàn Foxconn để triển khai tại Khu công nghiệp Sông Khoai AMATA và Khu công nghiệp DEEP C Quảng Ninh 2 (đều trên địa bàn thị xã Quảng Yên).
Trong đó, dự án sản phẩm giải trí thông minh tại Khu công nghiệp Sông Khoai AMATA có diện tích sử dụng đất là 21,5 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 6.629 tỷ đồng, tương đương 263,7 triệu USD. Công suất thiết kế 4,180 triệu sản phẩm/năm.
Đối với dự án hệ thống thông minh tại khu công nghiệp DEEP C Quảng Ninh II có diện tích sử dụng 12,4 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký là 7.116 tỷ đồng, tương đương 287,2 triệu USD. Công suất thiết kế 8,78 triệu sản phẩm/năm.
Hai dự án mới của Công ty Foxconn tại Quảng Ninh có tổng vốn đầu tư 551 triệu USD.
Ngày 13/7, tại Khu công nghiệp số 5 thuộc xã Xuân Trúc, xã Quảng Lãng, huyện Ân Thi và xã Nghĩa Dân, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, Tập đoàn Wieson Technologies Việt Nam đã động thổ xây dựng Nhà máy Wieson Technologies Việt Nam trên diện tích 18.176 m2, tổng mức đầu tư 16,5 triệu USD.
Nhà máy nằm trong lộ trình tăng năng lực sản xuất của Wieson, chuyên sản xuất các sản phẩm linh kiện điện tử như các loại cáp và đầu nối. Cụ thể, Wieson Technologies Việt Nam đặt mục tiêu sản xuất thiết bị ăng ten bên trong: 2.640.000 chiếc/năm; ăng ten bên ngoài: 2.760.000 chiếc/năm; đầu nối DP loại SMT và Spring: 25.200.000 chiếc/năm; đầu nối HDMI SPRING-1 loại 2.1 I/M lên tới gần 10 triệu sản phẩm/năm…
Dự kiến, từ tháng tháng 3/2025 đến tháng 5/2025 Nhà máy sẽ lắp đặt máy móc, thiết bị và sản xuất thử; đến tháng 6/2025 sẽ đi vào hoạt động chính thức. Khi nhà máy vào hoạt động sẽ tạo ra khoảng 350 việc làm tại địa phương.
Lễ động thổ Nhà máy Wieson Technologies Việt Nam tại Hưng Yên
Theo thống kê, trong nửa đầu năm 2024, các địa phương Vùng Đồng bằng sông Hồng tiếp tục thu hút loạt dự án đầu tư FDI.
Trong đó, Quảng Ninh đứng đầu với tổng số vốn 1,55 tỷ USD, bằng 52% kế hoạch năm và bằng 218,9% so với cùng kỳ. Tổng số dự án FDI đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn hiệu lực là 204 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 15,293 tỷ USD.
Đáng chú ý, các nhà đầu tư FDI đang thực hiện đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tiếp tục mở rộng, đầu tư các dự án mới. Nổi bật là Tập đoàn Foxconn tiếp tục rót 551 triệu USD vào 02 dự án mới cho thấy sự tin tưởng của Tập đoàn với môi trường đầu tư của địa phương. Cùng với 2 dự án đầu tư lần này, Foxconn đã có 5 dự án tại tỉnh Quảng Ninh, với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD.
Tiếp đến là TP. Hải Phòng trong 6 tháng đầu năm 2024 đã đón nhận 54 dự án FDI đăng ký đầu tư mới và 24 dự án tăng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài, với tổng vốn hơn 1,1 tỷ USD. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/6/2024, Hải Phòng hiện có 1.165 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt 29,59 tỷ USD.
Với mục tiêu về thu hút FDI trong năm 2024, từ đầu năm đến nay, Hải Phòng đã phối hợp tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư với các đối tác lớn; trong đó phải kể đến việc tổ chức Đoàn công tác đi xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc do Bí thư Thành ủy Hải Phòng làm Trưởng đoàn; ký kết 5 bản ghi nhớ mới với các đối tác Hàn Quốc, Trung Quốc...
Với tỉnh Hưng Yên, ngay tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tổ chức ngày 7/7/2024, UBND tỉnh Hưng Yên đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 20 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đăng ký 760 triệu USD.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hưng Yên, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 600 dự án FDI đăng ký hoạt động, với tổng vốn đăng ký trên 7,5 tỷ USD. Trong đó Nhật Bản có 176 dự án, với vốn đăng ký 3,8 tỷ USD, chiếm 50,98%; Trung Quốc có 151 dự án, với vốn đăng ký 1,1 tỷ USD, chiếm 15,52%; Hàn Quốc có 154 dự án, với vốn đăng ký trên 900 triệu USD, chiếm 11,88%...
Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là "thỏi nam châm"
Điểm chung nổi bật của loạt dự án FDI mới đầu tư vào các địa phương Vùng Đồng bằng sông Hồng thời gian qua là chủ yếu các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, phù hợp với quy hoạch chung và định hướng thu hút đầu tư của Vùng và các địa phương trong Vùng.
Theo đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay, trong 23 dự án đầu tư được cấp mới của tỉnh, hầu hết thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, phù hợp với mục tiêu, định hướng thu hút đầu tư của tỉnh.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có nhiều dự án công nghiệp chế biến, chế tạo đã được triển khai, như Tổ hợp nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô công suất tối đa 300.000 xe/năm và một số nhà máy sản xuất linh kiện, phụ kiện tại Khu công nghiệp Việt Hưng; chuỗi dự án sản xuất tấm quang năng Jinko Solar tại Khu công nghiệp Sông Khoai và Khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà (giai đoạn I); các dự án sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử tại Khu công nghiệp Đông Mai...
Trong khi đó, theo Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, thu hút FDI của Hải Phòng không chỉ là số vốn đăng ký, mà còn là tỷ lệ của các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, chế biến, chế tạo, logistics đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế đạt trên 93% .
Chỉ tính riêng tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Hải Phòng - Hàn Quốc tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc tháng 4/2024, UBND TP. Hải Phòng trao chứng nhận đầu tư cho 8 dự án với tổng vốn gần 400 triệu USD bao gồm: Dự án sản xuất, gia công, lắp ráp, tấm bo mạch chủ (Main PCB), màn hình hiển thị PCB của Công ty TNHH Seyoung Việt Nam (cấp mới 35 triệu USD) tại Khu công nghiệp DEEP C IIA; Dự án của Công ty TNHH DH Lightning Vina (tăng vốn 55,8 triệu USD) tại Khu công nghiệp DEEP C; Công ty TNHH HKT Electronics Việt Nam Hải Phòng (tăng vốn 73,5 triệu USD) tại Khu công nghiệp Tràng Duệ…
Tương tự, những dự án đầu tư FDI mới vào Hưng Yên thời gian qua cũng chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, như dự án của Công ty cổ phần Hưng Yên Alpha Logistics Park Singapore hơn 114 triệu USD; Dự án sản xuất tem nhãn RFID đến từ Đài Loan - Trung Quốc (67 triệu USD); Dự án sản xuất, chế biến thực phẩm của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam (87,7 triệu USD)…
Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2024 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành vùng có công nghiệp hiện đại, tiệm cận mức thu nhập cao.
Theo đó, vùng Đồng bằng sông Hồng tập trung phát triển nền công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào chế biến, chế tạo. Đẩy nhanh quá trình đổi mới công nghệ, xây dựng nền công nghiệp vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng công nghệ cao, làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền. Ưu tiên công nghiệp cơ điện tử, chíp bán dẫn, chế tạo phần mềm, sản phẩm công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, sản xuất robot. Phát triển công nghiệp bán dẫn, sản xuất và thiết kế chíp, vi mạch điện tử, sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử tập trung chủ yếu tại Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương.
Tập trung phát triển cụm liên kết ngành dọc theo vành đai 4, vành đai 5 và các hành lang kinh tế. Thúc đẩy phát triển mạnh công nghiệp chế biến sâu, chất lượng cao các sản phẩm nông nghiệp. Phát triển đồng bộ chuỗi cung ứng sản phẩm từ sản xuất nguyên liệu, phụ liệu đầu vào đến thiết kế mẫu mã, sản xuất hoàn thiện sản phẩm cuối cùng và tiếp thị sản phẩm ra quốc tế.
Phát triển công nghiệp vật liệu cơ bản, vật liệu mới, tập trung chủ yếu tại Hải Phòng, Hải Dương và các khu kinh tế ven biển. Phát triển mạnh công nghiệp hóa dược, mỹ phẩm trở thành trung tâm công nghiệp hóa mỹ phẩm hàng đầu cả nước. Đẩy mạnh hình thành các cụm liên kết sản xuất ô tô tập trung chủ yếu tại Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Ninh Bình. Di dời và mở rộng phát triển các nhà máy thâm dụng lao động, các cơ sở công nghiệp dệt may, da giày ra khỏi vùng động lực về khu vực phía Nam sông Hồng...
(Trong khuôn viên Tổng Công Ty Thái Sơn - Bộ Quốc Phòng)
Điện thoại: 028 6658 9888
Email: [email protected]