Cùng với sự quyết liệt trong cải cách hành chính, chuyển đổi số của địa phương, thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và sản xuất, lưu thông hàng hóa phát triển.
Ông Nguyễn Văn Hậu – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Giang cho biết, thời gian qua Sở Công Thương đã nỗ lực đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, coi đây là nền tảng để xây dựng nền hành chính trong sạch, chính xác, từng bước chuyên nghiệp. Qua đó, giúp hoạt động quản lý nhà nước của ngành có hiệu lực, hiệu quả, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh…
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Ảnh: SCT HG |
Đặc biệt, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND tỉnh Hà Giang, hàng năm, Sở Công Thương đã xây dựng và ban hành các kế hoạch về cải cách hành chính năm; kế hoạch thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính; kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính. Theo đó, nêu rõ các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác cải cách thủ tục hành chính…
Trong quá trình triển khai, đã có sự phân công, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, các cấp, các lĩnh vực. Nhờ vậy, nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đã hoàn thành vượt mức, sớm so với tiến độ đề ra. Cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính được hệ thống hóa cả 3 cấp. Việc phối hợp liên thông giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính giữa các cơ quan, các cấp hành chính tỉnh với nhiều tình huống, thủ tục khác nhau đã được giải quyết.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Sở Công Thương đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành về nhiệm vụ cải cách hành chính; tham mưu công bố danh mục thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thuộc phạm vi chức năng của Sở Công Thương đã phân cấp cho UBND các huyện, thành phố áp dụng trên địa bàn tỉnh Hà Giang; danh mục thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực cụm công nghiệp thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Công Thương áp dụng trên địa bàn tỉnh Hà Giang; danh mục thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Công Thương áp dụng trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Tham mưu rà soát đề nghị bãi bỏ đối với 03 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do có sự thay đổi của Nghị định; tham mưu công bố danh mục thủ tục hành chính gồm số thủ tục hành chính cấp tỉnh là 133 thủ tục, số thủ tục hành chính cấp huyện là 17 thủ tục…
Sở Công Thương đã thực hiện công khai số điện thoại của công chức hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính tại nơi giải quyết thủ tục hành chính và trang thông tin điện tử của Sở; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh…Cùng với đó, Sở Công Thương triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Về triển khai cải cách thủ tục hành chính, ông Nguyễn Văn Hậu cho biết thêm, Sở Công Thương quán triệt công chức thực hiện đúng quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông; thực hiện tốt phương án 5 tại chỗ về giải quyết thủ tục hành chính. Duy trì, phối hợp tốt với các cơ quan chuyên môn thực hiện đảm bảo các thủ tục hành chính liên thông, theo đó tất cả thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương được thực hiện tại Trung tâm phục vụ hành chính công, góp phần giảm thiểu tối đa các chi phí của tổ chức, cá nhân liên hệ giải quyết thủ tục hành chính, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh…
Kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức tính từ 01/01/2024 đến 20/8/2024, Sở Công Thương đã tiếp nhận 20.353 hồ sơ về thủ tục hành chính. Trong đó, tiếp nhận thủ tục hành chính trực tuyến là 20.312 hồ sơ, tiếp nhận trực tiếp từ dịch vụ bưu chính là 17 hồ sơ, đã giải quyết 20.279 hồ sơ, trong đó giải quyết trước hạn 20.276 hồ sơ, tỷ lệ đúng hạn 99,99%...
Với quan điểm “Thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh”, Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã lựa chọn một số nội dung làm khâu đột phá trong công tác cải cách hành chính. Trong đó, thường xuyên nghiên cứu, rà soát trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ, cắt giảm, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Tăng cường các hoạt động trao đổi thông tin, xúc tiến thương mại với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. |