Tin công nghiệp
Hầu hết các cơ sở sản xuất công nghiệp trong tỉnh có quy mô nhỏ, ít có dự án đổi mới công nghệ; năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh hạn chế; thiếu nguyên liệu sản xuất đầu vào… Do đó, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp có nhiều biến động và thiếu ổn định. Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp cho GRDP công nghiệp có xu hướng giảm; cơ cấu ngành chủ yếu phát triển theo chiều rộng, giá trị gia tăng còn thấp.
6 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp (giá hiện hành) của tỉnh ước đạt hơn 3.528,2 tỷ đồng, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 47,8% kế hoạch (KH). Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,77%, trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 19%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 98,03%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,12%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 5,08%.
Công nghiệp chế biến, chế tạo tập trung chủ yếu vào ngành chế biến khoáng sản như: sản xuất gang thép, hợp kim fero, thiếc, chì, niken - đồng... Đây là ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua tăng trưởng của ngành có nhiều biến động và thiếu ổn định. Bên cạnh 2 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Mangan và Doanh nghiệp thương mại Nam Mạch đăng ký hoạt động trở lại, một số nhà máy chế biến Fero mangan đang dừng hoạt động do kinh doanh không hiệu quả. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu, gồm: phôi thép đạt 102,736 tấn, bằng 46,7% KH; tinh quặng Niken đồng đạt 30,616 tấn, bằng 61,2% KH; quặng măng gan đạt 5,77 tấn, bằng 12,5% KH, Fero mangan các loại đạt 5,57 tấn, bằng 64,8% KH.
Đến hết tháng 5/2024, Công ty cổ phần Gang thép Cao Bằng sản xuất 79.472 tấn phôi thép, tiêu thụ 76.588 tấn, doanh thu đạt 1.024,7 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 31 tỷ 479 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Gang Thép Cao Bằng cho biết: Hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2024 của đơn vị tiếp tục đối mặt với những khó khăn do diễn biến tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu và giá bán sản phẩm phôi thép trên thị trường vẫn ở mức thấp, 90% nguyên liệu quặng sắt các loại phục vụ sản xuất phải mua ngoài và giá nhiên liệu than cốc đầu vào có nhiều biến động khó lường. Trong khi khu Nam mỏ sắt Nà Rụa thực hiện công tác tận thu, tiến độ triển khai khai thác khu Bắc còn chậm do quy trình, thủ tục phức tạp nên nguồn nguyên liệu quặng sắt tự sản xuất chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu sử dụng tại Khu liên hợp, còn 80% nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất phải mua từ bên ngoài, chủ yếu từ các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, chi phí vận chuyển cao làm tăng chi phí nguyên liệu đầu vào. Trong khi giá bán sản phẩm phôi thép thấp hơn KH (bình quân đạt 13,2/13,8 triệu đồng/tấn), tiêu hao than cốc luyện gang vượt so với KH (483/465 kg/tấn)… Vì vậy, hiệu quả sản xuất, kinh doanh 5 tháng và dự kiến 6 tháng đầu năm 2024 của Công ty chưa đạt KH đề ra.
Công nghiệp sản xuất và phân phối điện những năm gần đây phát triển mạnh. Đến nay, toàn tỉnh có 24 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, trong đó có 18 nhà máy thủy điện đang phát vào hệ thống điện quốc gia. 6 tháng đầu năm 2024 các nhà máy thủy điện sản xuất được 170,02 triệu kwh, tăng 156% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 2 năm (2025 - 2026), tỉnh dự kiến đưa thêm 7 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đi vào hoạt động. Qua đánh giá, hầu hết các nhà máy thủy điện được đầu tư xây dựng và lắp đặt công nghệ tiên tiến, hoạt động hiệu quả.
Công nghiệp khai khoáng tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Một số điểm mỏ khoáng sản kim loại như mỏ sắt, mangan, thiếc, vonfram, đồng, chì, kẽm, bauxit được đầu tư thăm dò, làm rõ hơn về trữ lượng, chất lượng khoáng sản, làm định hướng phát triển công nghiệp khai khoáng trên địa bàn tỉnh. Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản hiện chưa phát triển do điều kiện các mỏ nằm phân tán, nhỏ lẻ, trữ lượng mỏ chưa được khảo sát, đánh giá chi tiết, điều kiện khai thác khó khăn, việc khai thác mới được thực hiện ở quy mô nhỏ; sản phẩm chủ yếu mới qua sơ tuyển, chưa có cơ sở chế biến. Bên cạnh đó, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải; ngành khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng duy trì mức tăng ổn định đối với các sản phẩm như gạch, đá xây dựng, cát khai thác; ngành công nghiệp chế biến như đường, gỗ, chiếu trúc… tiếp tục được duy trì, sản xuất. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở công nghiệp có quy mô doanh nghiệp nhỏ, năng lực cạnh tranh còn yếu, khả năng huy động vốn đầu tư phát triển thấp, vì vậy chất lượng sản phẩm chậm được cải thiện.
Giám đốc Sở Công thương Đồng Thị Kiều Oanh cho biết: Hiện phát triển công nghiệp tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa có sự thay đổi, bứt phá. Đầu tư phát triển công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nội lực còn yếu, thiếu tính bền vững; tái cơ cấu ngành còn chậm, chưa rõ nét; giá trị sản xuất công nghiệp đạt thấp. Cơ cấu công nghiệp chuyển dịch chưa nhanh, còn ít sản phẩm mới, chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn thực sự đóng vai trò dẫn dắt đủ sức cạnh tranh trên thị trường, chủ yếu là sản phẩm thô hoặc bán thành phẩm, ngành công nghiệp còn thiếu những sản phẩm chủ lực tạo ra giá trị gia tăng lớn. Các sản phẩm chủ lực có giá trị cao như phôi thép, điện sản xuất thiếu tính bền vững lâu dài do phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu sản xuất, giá thị trường thế giới, thời tiết... Hầu hết các nhà máy có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, công nghệ sản xuất chỉ đạt mức trung bình, thậm chí ở một số doanh nghiệp công nghệ còn lạc hậu, quy mô sản xuất một số doanh nghiệp bị thu hẹp.
Một số dự án thuỷ điện thực hiện không đạt tiến độ đề ra; nhiều nhà máy trong lĩnh vực chế biến khoáng sản gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu sản xuất, giá sản phẩm giảm phải sản xuất cầm chừng, ngừng sản xuất. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị còn chậm, chưa đạt yêu cầu phát triển. Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chậm được đầu tư xây dựng; kết cấu hạ tầng giao thông, điện, cấp thoát nước, thu gom xử lý chất thải… còn thiếu đồng bộ khiến việc thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn.
Các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn quy mô nhỏ lẻ, phân tán, nguồn nhân lực chất lượng thấp, thiếu thợ tay nghề cao, dây chuyền công nghệ sản xuất lạc hậu dẫn đến năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao. Trong khi đó, công nghiệp phụ trợ vẫn còn kém phát triển. Công tác quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp còn nhiều hạn chế. Nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến còn thiếu, chất lượng không đồng đều. Phần lớn các doanh nghiệp chế biến chưa thiết lập được nguồn nguyên liệu ổn định, khó sản xuất đủ theo nhu cầu đặt hàng…
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt 9,0%/năm. Từng bước đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường; tập trung khai thác và chế biến sâu các khoáng sản có giá trị cao (thiếc, chì, đồng, kẽm...) phục vụ đủ nhu cầu ngành luyện kim từ đó phát triển thêm các sản phẩm mới. Xây dựng một số thương hiệu sản phẩm nông sản chế biến đặc sản Cao Bằng có uy tín, chất lượng. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp Chu Trinh, Đông Khê, các cụm công nghiệp Hưng Đạo, Miền Đông 1, Thông Huề... Hoàn thiện hệ thống sản xuất tái chế xử lý rác thải, nước thải đảm bảo yếu tố môi trường trong thực hiện các dự án về thăm dò khai thác, chế biến quặng bauxit.
Giai đoạn 2031 - 2050, tỉnh tập trung phát triển sâu một số ngành công nghiệp chủ yếu: công nghiệp chế biến nông lâm sản; công nghiệp sản xuất và phân phối điện nước; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản theo hướng đẩy mạnh sản xuất các thành phẩm có giá trị cao hơn. Phát triển thêm các ngành lĩnh vực mới, công nghiệp dược phẩm, sản xuất chế phẩm sinh học; công nghiệp môi trường; công nghiệp điện tử viễn thông; công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo… phấn đấu đến năm 2050 đưa Cao Bằng trở thành tỉnh có nền công nghiệp hiện đại trong vùng.
(Trong khuôn viên Tổng Công Ty Thái Sơn - Bộ Quốc Phòng)
Điện thoại: 028 6658 9888
Email: [email protected]