Tin công nghiệp
Công tác chuẩn bị kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và kế hoạch 5 năm 2026 - 2030 phục vụ Đại hội Đảng lần thứ XIV đang được khẩn trương triển khai. Trước đó, Đại hội XIII đã đề ra mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6,5 - 7%/năm.
Theo hai chuyên gia kinh tế là TS. Phạm Đỗ Chí (Hoa Kỳ) và TS. Phan Thanh Hà (nguyên Phó vụ trưởng Tài chính - Tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thực tế GDP bình quân 3 năm 2021 - 2023 là 5,21%. Nếu mục tiêu kế hoạch năm 2024 dự kiến đạt 6 - 6,5% và thực tế đạt mức cao là 6,5% thì năm 2025 GDP phải đạt 10,35%. Đây là mức cao chưa từng có.
Hai chuyên gia đã phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp để tiến tới mức tăng trưởng “cao chưa từng có” này.
Chưa có khu vực tư nhân lớn mạnh
Thưa ông Phạm Đỗ Chí, ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay và các giải pháp đang được thực hiện?
TS. Phạm Đỗ Chí. |
Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng chậm lại do điều chỉnh cơ cấu kinh tế không có những biến chuyển tích cực, không tạo đủ động lực cho tăng trưởng. Tình hình kinh tế khó khăn không chỉ đối với khu vực trong nước mà cả nước ngoài. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả nước trong 5 tháng 2024 ước đạt 21% kế hoạch. Đầu tư công ở TP.HCM không ngoại lệ. Đến ngày 24.5 mới giải ngân 6.705,2 tỷ đồng vốn ngân sách, đạt 8,5% kế hoạch năm 2024. Dự toán kinh phí 1.800 tỷ đồng cho kinh tế số của thành phố hoàn toàn chưa được giải ngân.
Hiện thúc đẩy đầu tư công từ các nguồn vốn trung ương, địa phương và doanh nghiệp nhà nước chỉ mới hướng vào xây dựng hạ tầng giao thông như cao tốc, cầu, cảng hàng không, cảng biển…
Trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cần song song đồng hành vai trò của nhà nước và thị trường. Nhưng đến nay kinh tế tư nhân chưa đạt được phát triển bền vững, tốc độ đầu tư đang chậm lại. Dù số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng nhanh nhưng chủ yếu quy mô nhỏ và vừa, phần lớn hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ; chỉ khoảng 21% doanh nghiệp tham gia một phần chuỗi giá trị toàn cầu và 14% có liên kết với đối tác nước ngoài.
Theo ông, Việt Nam cần thay đổi thế nào để đạt được kỳ vọng kinh tế - xã hội đến năm 2030?
Tôi cho rằng các giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng nên tiếp tục tận dụng cơ hội khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc gia tăng, khiến nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) chuyển sang Việt Nam. Điểm then chốt là tập trung phát triển công nghiệp bán dẫn đã được khởi xướng ý tưởng nhưng chưa có kế hoạch cụ thể. Mũi nhọn này sẽ tập trung nguồn lực theo hai hướng là đầu tư công phát triển hạ tầng công nghệ cần thiết cho công nghiệp bán dẫn, làm nền tảng để phát triển kinh tế tư nhân và tăng tỷ lệ tư nhân hóa. Tất cả đều phù hợp chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với 3 đột phá chiến lược là xây dựng hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và cải cách thể chế.
Để làm được điều đó, theo tôi cần thành lập hai ủy ban. Ủy ban Đầu tư công và Chuyển đổi sở hữu do Thủ tướng đứng đầu với sự tham gia của các bộ và cơ quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Thứ hai là lập Ủy ban Phát triển tư nhân do một phó thủ tướng làm chủ tịch với sự tham gia của các bộ vừa nêu cộng với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, một số tập đoàn tư nhân lớn và các hiệp hội doanh nghiệp. Đề án sơ bộ cần hoàn thành trong năm 2024, trình Chính phủ trong tháng 9.2024, trình Quốc hội trong tháng 10.2024. Nội dung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030 cần trình Tổ chuẩn bị văn kiện Đại hội XIV.
Trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ XIII và 5 năm của nhiệm kỳ XIV (2026 - 2030), cần định hướng đột phá thúc đẩy tăng trưởng, hướng tới mục tiêu có công nghiệp hiện đại bằng cách xem phát triển công nghiệp bán dẫn là mũi nhọn trên cơ sở tăng cường chuyển đổi sở hữu, thúc đẩy kinh tế tư nhân. Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của Việt Nam đã xác định công nghệ sản xuất chip điều khiển, linh kiện bán dẫn… là một trong những công nghệ lõi được định hướng phát triển trong thập kỷ tới.
Trong các chiến lược, kế hoạch như ông đã nêu, nên xác định vai trò của Nhà nước và tư nhân như thế nào để tăng trưởng GDP đột phá cho kế hoạch 5 năm tới?
Trước hết tôi xin nói về các lợi thế. Nhiều ý kiến thống nhất Việt Nam có nhiều tiềm năng và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn. Điều kiện tự nhiên thuận lợi với trữ lượng đất hiếm lớn. Đây là nguyên liệu quan trọng trong sản xuất chip bán dẫn. Chúng ta có vị trí chiến lược, gần về địa lý để dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn trong khu vực và thế giới như Trung Quốc, Mỹ, EU; cũng như dễ dàng tiếp cận chuỗi cung ứng công nghệ cao châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan nhờ các hiệp định thương mại tự do.
Trong ngành bán dẫn, nhân lực có trình độ và tay nghề cao là yếu tố quyết định thành công. Ảnh: CTV
Việt Nam hiện là địa điểm sản xuất của nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu. Hơn 50 công ty bán dẫn với gần 5.000 kỹ sư (chủ yếu là doanh nghiệp FDI), phần lớn đặt tại TP.HCM. Chỉ có hai doanh nghiệp nội là FPT và Viettel. Các công ty này hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, đóng gói và kiểm thử, cung cấp công cụ thiết kế chip bán dẫn, song chưa có công nghiệp khai khoáng, chế biến đất hiếm và sản xuất chất bán dẫn.
Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, thông minh, giỏi các môn toán học, vật lý, hóa học cần thiết cho công nghiệp bán dẫn. Việt Nam có những cơ sở nghiên cứu, đào tạo đại học đủ sức cung cấp nguồn nhân lực cho ngành. Các công ty sản xuất công cụ sản xuất chip và kỹ sư nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc trợ giúp các nhà sản xuất chip trên thế giới xây dựng, vận hành và bảo trì các dây chuyền sản xuất chip. Ngoài ra, Việt Nam không bị chính phủ Mỹ áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu sản phẩm bán dẫn và công cụ sản xuất chip.
Mặc dù vậy, vấn đề khai thác tiềm năng, thực hiện chiến lược vẫn là thách thức lớn cho Việt Nam. Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô, công nghiệp phụ trợ, dệt may da giày, điện tử chưa đem lại nền công nghiệp hiện đại cho đất nước. Tuy không bắt buộc liên doanh với doanh nghiệp nhà nước nhưng không xây dựng được khu vực tư nhân lớn mạnh, đủ sức làm đối tác với doanh nghiệp nước ngoài nên khó có thể xây dựng công nghiệp trong nước. Với công nghiệp bán dẫn, sẽ tiếp tục tình trạng hai khu vực trong nước và nước ngoài cùng song hành nhưng thiếu kết nối, thiếu hỗ trợ nhau vì các công ty ngoại quốc e ngại chuyển giao công nghệ, hợp tác sản xuất chip, kể cả loại không tiên tiến cho doanh nghiệp nhà nước.
Phát triển công nghiệp bán dẫn cần nguồn đầu tư rất lớn. Sản xuất chip tốn rất nhiều năng lượng và đòi hỏi chất lượng nước có độ tinh khiết cao. Các khách hàng Âu, Mỹ ngày càng đòi hỏi sản phẩm được sản xuất bằng năng lượng tái tạo, giảm khí thải carbon. Đây là yếu tố ảnh hưởng tới khả năng nhận đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Khoảng cách công nghệ và quản lý sản xuất trong lĩnh vực bán dẫn giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài rất lớn. Nhu cầu thị trường trong nước nhỏ mặc dù chuyển đổi số đang được thúc đẩy. Vì vậy các doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn chủ yếu nhắm vào xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Và mặc dù luôn miệng nói chủ trương chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng thực tế thủ tục hành chính chưa mang tính chất phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Đặc biệt, thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư phức tạp, tốn kém nhiều thời gian, công sức.
Tư duy mới về hành chính và đánh thuế
Thưa TS. Phan Thanh Hà, chiến lược công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cần cân nhắc, tận dụng những rủi ro, thế mạnh như thế nào?
TS. Phan Thanh Hà. |
Việt Nam nên đặt mục tiêu phát triển công nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn. Nghiên cứu bước đầu cho thấy Việt Nam có ưu thế lớn về trữ lượng đất hiếm ở vùng núi Tây Bắc và ven biển miền Trung. Vì vậy cần phát triển công nghiệp khai khoáng để chế biến mà không xuất khẩu khoáng sản thô.
Lĩnh vực này do Bộ Công Thương chịu trách nhiệm. Nhưng việc lựa chọn công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản, vốn là những thứ Việt Nam còn rất thiếu trong điều kiện căng thẳng thương mại giữa các siêu cường, lại là bài toán khó khăn. Việt Nam cũng chưa đủ sức để phát triển toàn bộ công nghiệp bán dẫn nên cần xác định phát triển cụ thể từng khâu trong chuỗi sản xuất gồm có thiết kế, sản xuất, đóng gói kiểm thử và nghiên cứu công nghệ mới. Ngoài gia công lắp ráp, có thể phát triển lĩnh vực hỗ trợ có thế mạnh cạnh tranh, như các thiết bị cơ khí và cơ khí chính xác, đồ điện, bảng điều khiển.
Tôi cũng đồng ý với ý kiến Nhà nước cần xây dựng cơ chế chính sách thu hút kinh tế tư nhân cho ngành công nghiệp bán dẫn, bao gồm kết nối khu vực doanh nghiệp nước ngoài và trong nước. Chính sách cần ổn định, minh bạch, rõ ràng. Tránh thí điểm kiểu “vừa thiết kế, vừa thi công” vì có thể gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp từ kinh nghiệm phát triển điện mặt trời. Do đó cần nghiên cứu cả mặt tích cực và tiêu cực của vấn đề, tổng kết đánh giá hiệu quả việc thực hiện các biện pháp ưu đãi đã ban hành.
Xây dựng chiến lược cũng như chính sách cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, để thống nhất trong quy định và thực hiện, quản lý, trao đổi cơ sở dữ liệu thông tin, công nhận kết quả của nhau. Cần phối hợp giữa Chính phủ với doanh nghiệp, các chuyên gia để loại bỏ những chính sách kém hiệu quả, kém khả thi, đưa ra các ưu đãi mới phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và cam kết quốc tế của Việt Nam.
Theo bà, doanh nghiệp cần ưu đãi gì nhất trong viễn cảnh này?
Bên cạnh cơ chế chính sách ưu đãi đất đai, thuế, hỗ trợ đầu tư thì loại ưu đãi không đòi hỏi nhiều kinh phí từ ngân sách chính là thủ tục hành chính. Khi thủ tục được đơn giản hóa và số hóa, ta chỉ cần ưu tiên về thời gian thực hiện. Việc miễn nhiều thủ tục có thể gây khó cho cơ quan quản lý nhà nước nhưng cần xóa bỏ những thủ tục gây khó cho người dân, doanh nghiệp, nhất là khi cơ quan nhà nước đã lưu giữ những thông tin cần thiết và có thể chia sẻ với nhau.
Ưu đãi quan trọng nữa là thuế thu nhập doanh nghiệp hiện đang sửa đổi. Các doanh nghiệp lớn bị hạn chế bởi quy định thuế tối thiểu toàn cầu 15% áp dụng cho doanh nghiệp có doanh thu hợp nhất toàn cầu 750 triệu EU/năm trong ít nhất 2 năm của 4 năm gần nhất. Đối với các doanh nghiệp nhỏ hơn có thể vẫn áp dụng mức ưu đãi dưới 15% nhưng không nên quá chênh lệch so với mức tối thiểu 15%. Mức thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế có thể giảm nếu nhiều chi phí được công nhận là hợp lý và được khấu trừ.
Chính sách thuế nhập khẩu linh kiện cần được rút kinh nghiệm từ công nghiệp ô tô. Có những thời kỳ thuế nhập khẩu linh kiện không khuyến khích nội địa hóa. Tức chức năng bảo vệ sản xuất trong nước của thuế nhập khẩu bị coi nhẹ hơn nguồn thu ngân sách.
Với Nghị định về Quỹ Hỗ trợ Đầu tư đang được xây dựng, tôi thấy ngành công nghiệp bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nên là ưu tiên trong thu hút đầu tư và cần là đối tượng được hưởng hỗ trợ đầu tư. Thủ tục xác định công nghệ cao cần đơn giản hóa. Có thể hỗ trợ doanh nghiệp dưới hình thức bù đắp chi phí đào tạo, chi phí nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, kết nối giữa doanh nghiệp nước ngoài và trong nước.
Việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân cần theo hướng giảm mức thuế lũy tiến cao nhất, tăng mức khấu trừ gia cảnh, giãn khoảng cách giữa các bậc thuế và thời gian xem xét điều chỉnh mức thuế.
Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) cũng đang được sửa đổi. Mức thuế VAT đối với công nghiệp bán dẫn nên ở mức chung 10%. Để tránh thời gian hoàn thuế quá lâu so với quy định, cần đưa ra nguyên tắc hoàn thuế mới. Nếu trong thời gian quy định mà cơ quan thuế chưa chứng minh được sự gian lận của doanh nghiệp thì doanh nghiệp được hoàn thuế. Đến khi cơ quan thuế chứng minh được doanh nghiệp vi phạm quy định thì doanh nghiệp phải trả lại số tiền thuế chiếm đoạt và bị phạt bổ sung. Nếu không thực hiện được các nghĩa vụ này thì mới chuyển sang hình sự.
Trong ngành bán dẫn, nhân lực có trình độ và tay nghề cao là yếu tố quyết định thành công. Chính sách thuế thu nhập cá nhân sẽ tạo điều kiện thu hút nhân tài, các chuyên gia nước ngoài và người Việt ở nước ngoài. Việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân cần theo hướng giảm mức thuế lũy tiến cao nhất, tăng mức khấu trừ gia cảnh, giãn khoảng cách giữa các bậc thuế và thời gian xem xét điều chỉnh mức thuế. Mục đích là để tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân thực nộp trên tổng thu nhập không vượt quá 15 - 20%, tức là ngang với mức thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành. Cũng cần tạo thuận lợi trong việc cấp VISA, cấp phép làm việc cho nhân lực nước ngoài như kéo dài thời gian hiệu lực của giấy phép và áp dụng cấp phép điện tử.
Trở lại việc phát triển hạ tầng vốn được đặt ra như một đột phá chiến lược. Vậy cần những thay đổi như chuyên gia Phạm Đỗ Chí đã nhắc đến để phát triển bán dẫn?
Vâng, vốn đầu tư ngân sách đang tập trung cho các công trình giao thông. Trong giai đoạn 2026 - 2030, cần tiếp tục thúc đẩy đầu tư công cho phát triển hạ tầng nhưng việc phân bổ kinh phí cần hài hòa hơn giữa các loại hạ tầng giao thông và năng lượng như truyền tải, phân phối điện, cũng như hạ tầng công nghệ thông tin. Phát triển năng lượng tái tạo cần cân đối với năng lượng truyền thống vì năng lượng tái tạo phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, cần khả năng lưu trữ điện như pin, ắc quy. Nhà nước cần tiếp tục đầu tư vào thăm dò để phát hiện, đánh giá trữ lượng các mỏ đất hiếm một cách đầy đủ.
Cung cấp nước đủ tiêu chuẩn tinh khiết cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp bán dẫn cũng phải trở thành vấn đề quan tâm lớn cho đầu tư công. Cho đến nay việc cấp nước sạch thường là trách nhiệm của địa phương. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, đầu tư công trình cấp nước cho vùng rộng lớn từ hai tỉnh trở lên cần nguồn nước bền vững. Việc dẫn nguồn nước từ xa đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, vượt quá phạm vi chi ngân sách một tỉnh, thành phố nên cần kinh phí ngân sách trung ương. Dự trữ nước nguồn thô và xử lý nước thải để giảm tác động đến môi trường trong lâu dài cần vai trò của Nhà nước.
Như đã nói, một yếu tố quan trọng để công nghiệp bán dẫn cất cánh là nhân lực, theo bà đầu tư công cho vấn đề này cần thế nào?
Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 phân bổ 6.888,050 tỷ đồng cho giáo dục, trong khi kinh phí cho giao thông gấp 45 lần. Đầu tư của Nhà nước, gồm cơ sở vật chất và đào tạo giảng viên, kỹ sư, công nhân, cũng như thu hút chuyên gia nước ngoài đều cần dựa trên dự báo nhu cầu thị trường. Mỗi khâu trong chuỗi công nghiệp bán dẫn có yêu cầu về nhân lực khác nhau nhưng có các nghề cần thiết chung như điện, điện tử, viễn thông.
Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, thông minh, giỏi các môn toán, lý, hóa cần thiết cho công nghiệp bán dẫn. Trong ảnh: nhân viên người Việt tại nhà máy Intel Products Việt Nam trong Khu Công nghệ cao TP.HCM (có hơn 17.000 nhân viên, 95% là người Việt Nam). Ảnh: CTV
Các cơ sở giáo dục đào tạo hiện đều thiếu các phòng thí nghiệm với trang thiết bị kỹ thuật phù hợp. Chính phủ đã có chủ trương chọn các trường đại học để xây dựng trung tâm chip bán dẫn với những phòng thí nghiệm nghiên cứu hiện đại. Đồng thời, đầu tư phòng thí nghiệm quốc gia làm trung tâm nghiên cứu, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành. Các trung tâm thành lập mới có ưu điểm không đi theo lối mòn ý tưởng cũ, nhưng cơ chế để các trường đại học dùng chung thì khó hiệu quả. Việc mua sắm trang thiết bị cho phòng thí nghiệm cần có ý kiến người có kiến thức chuyên sâu về bán dẫn, tránh sai lầm như trong mua sắm lĩnh vực y tế hay khoa học công nghệ, khi chỉ xem xét khía cạnh thương mại.
Chúng ta thấy các trường đại học đào tạo kiến thức chung cho sinh viên, nhưng các doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục đào tạo tại chỗ khi tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu riêng và cao hơn của mình. Nhiều doanh nghiệp cần 9 - 12 tháng đào tạo bổ sung. Vì vậy, liên kết cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp để gửi sinh viên thực tập dưới hình thức thực hiện các đề tài, dự án hoặc thông qua sự hướng dẫn thực hành của cán bộ, nhân viên tại doanh nghiệp mới là hình thức đào tạo hiệu quả.
Đào tạo lại, đào tạo theo cơ chế đặt hàng của doanh nghiệp, đào tạo tại chỗ ở doanh nghiệp và tại cơ sở đào tạo của doanh nghiệp, liên kết với cơ sở giáo dục đào tạo của nước ngoài cũng là những hình thức Nhà nước nên khuyến khích, hỗ trợ. Trước mắt có thể tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu để chuyển đổi sinh viên của các ngành như kỹ thuật máy tính, tự động hóa, cơ điện tử sang kỹ sư thiết kế vi mạch.
Chiến lược đào tạo nhân lực cần chú trọng hơn về cơ chế khuyến khích áp dụng cho cả người học (như cấp, miễn giảm học phí) và cơ sở đào tạo (như quyền tự chủ xác định chương trình, ngành nghề đào tạo, mức học phí, miễn giảm thuế thu nhập…).
Xin cảm ơn quý vị.
Quốc Ngọc thực hiện
(Trong khuôn viên Tổng Công Ty Thái Sơn - Bộ Quốc Phòng)
Điện thoại: 028 6658 9888
Email: [email protected]