Tin công nghiệp
Theo số liệu được Cục Thống kê công bố, địa phương có chỉ số công nghiệp tăng mạnh nhất là Phú Thọ với mức tăng 47,3% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là Trà Vinh với mức tăng 40,5%; Bắc Kạn tăng 28,1%; Bắc Giang tăng 26,3%; Hoà Bình tăng 21,4%... Một số địa phương khác như: Thanh Hóa; Quảng Nam; Nam Định; Bến Tre; Kiên Giang cũng có IIP tăng cao.
![]() |
10 địa phương có tốc độ tăng IIP cao nhất trong 2 tháng đầu năm 2025 |
Phú Thọ dẫn đầu cả nước với mức tăng 47,3%
Trong số 10 địa phương có chỉ số IIP tăng cao nhất trên cả nước, đứng đầu là Phú Thọ với mức tăng ấn tượng 47,3% trong hai tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả này có được chủ yếu nhờ sự bứt phá của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo – lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế địa phương. Chỉ số sản xuất của ngành này tại Phú Thọ tăng tới 48,5%, vượt xa nhiều địa phương khác. Cùng với đó, ngành sản xuất và phân phối điện trên địa bàn cũng ghi nhận mức tăng đáng kể, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung.
Việc Phú Thọ dẫn đầu cả nước về tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong 2 tháng đầu năm cho thấy những tín hiệu tích cực trong việc thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và đảm bảo nguồn cung năng lượng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.
Trà Vinh đứng thứ hai, tăng 40,5%
Trong 2 tháng đầu năm 2025, Trà Vinh ghi nhận mức tăng thứ hai so với các tỉnh, thành trên cả nước do có ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.
Chỉ số công nghiệp của Trà Vinh bắt đầu tăng từ khoảng 3 năm nay, khi nhu cầu sử dụng điện tăng. Đồng thời, Trà Vinh cũng là địa phương có hàng loạt công trình điện gió được hòa lưới điện quốc gia, giúp chỉ số ngành sản xuất và phân phối điện tăng mạnh.
Bắc Kạn tăng 28,1%
2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 28,1%. Theo đó, thế mạnh của Bắc Kạn là nhờ công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.
Đáng chú ý, năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp so với năm 2023 tăng 11,73%; giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp năm 2024 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 642 tỷ đồng, tăng 11,03%; giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) đạt 2.023,72 tỷ đồng, tăng 13,38% so với năm 2023 và vượt 6,51% kế hoạch năm 2024.
Bắc Giang tăng 26,3%
Theo số liệu của cơ quan thống kê tỉnh Bắc Giang, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2/2025 ước đạt 100,85% so với tháng trước và tăng 54,57% so với cùng kỳ, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 55,58%; ngành khai khoáng ước tăng 21,75%; cung cấp nước hoạt động và xử lý nước thải ước tăng 3,48%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng ước tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành sản xuất các sản phẩm điện tử vẫn là nhân tố chính đóng góp vào quy mô giá trị sản xuất cũng như mức tăng trưởng cao trong 2 tháng đầu năm. Chỉ số IIP ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 64,43% so với cùng kỳ.
Các sản phẩm chủ lực có mức tăng cao trong 2 tháng đầu năm so với cùng kỳ có thể kể đến như: Máy tính xách tay; tai nghe có micro; mạch điện tử tích hợp; máy thu, đổi truyền hoặc tái tạo âm thanh, hình ảnh. Các sản phẩm có chỉ số giảm trong 2 tháng tiêu biểu như: Pin khác; amonica dạng khan; các loại ắc quy điện.
Hoà Bình tăng 21,4%
Trong tháng 2/2025, sản xuất công nghiệp tỉnh Hòa Bình tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hoà Bình, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng là do ngành khai khoáng tăng 50,82%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 21,15%, sản xuất và phân phối điện tăng 66,61%.
Riêng sản lượng điện sản xuất trong tháng ước đạt 552 triệu kWh, tăng 63,1% so với cùng kỳ năm trước, góp phần ổn định nguồn năng lượng phục vụ sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn.
Thanh Hoá tăng 18,9%
2 tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất công nghiệp của Thanh Hoá tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, 13/18 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tại địa phương này có chỉ số sản xuất tăng mạnh...
Trong giai đoạn này, đa số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh Thanh Hóa có sản lượng tăng cao so với giai đoạn trước, trong đó có một số sản phẩm tăng đột phá so với giai đoạn 2016 - 2020, như: thép các loại tăng gần 10 lần; dầu ăn tăng 6,6 lần; lưu huỳnh tăng 3,3 lần; dầu nhiên liệu tăng khoảng 2,9 lần; benzen tăng 2,6 lần; xăng động cơ tăng 2,5 lần...
Lũy kế giá trị sản xuất công nghiệp của Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2024 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 1.052 nghìn tỷ đồng, gấp 2,12 lần so với giai đoạn 2016 - 2020.
Các ngành, sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh này có thế mạnh, như: Lọc hóa dầu, sản xuất điện, thép, vật liệu xây dựng, may mặc, giày da, chế biến nông, lâm sản… đều có bước phát triển, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Cụ thể, đối với sản phẩm công nghiệp chế biến hóa chất, hóa dầu của Thanh Hóa từ năm 2021 đến nay, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm sản phẩm dầu nhiên liệu ước đạt 16%; lưu huỳnh ước đạt 13,7%; benzen ước đạt 4,2%...
Quảng Nam tăng 18,8%
Lũy kế 2 tháng đầu năm 2025, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng tích cực (tăng 18,8%). Cả 4 nhóm ngành lớn đều tăng so với cùng kỳ, trong đó khai khoáng tăng 28,2%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 13,8%; sản xuất cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 6,7%.
Những sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ gồm than đá; đá xây dựng; thủy hải sản ướp đông lạnh; thức ăn cho thủy sản; vải dệt thoi từ sợi bông; vải mành dùng làm lốp; bộ comlê, quần áo đồng bộ, áo jacket; gạch xây dựng bằng đất sét nung...
Nam Định tăng 17,7%
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 17,69% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực chính với mức tăng 17,95%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 16,26%...
Trong đó, khối lượng sản xuất của một số sản phẩm công nghiệp chủ lực cũng gia tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước: Vải các loại tăng 21,18%; bàn ghế gỗ tăng 15,62%; sản phẩm mây tre đan tăng 15,3%; quần áo may sẵn tăng 10,98%; giày dép tăng 3,5%; cửa sắt, thép tăng 1,78%.
Một trong những “dấu ấn” trong hai tháng đầu năm là sự đóng góp của Công ty trách nhiệm hữu hạn QMH Computer (thuộc Tập đoàn Quanta) với sản phẩm máy vi tính (dòng sản phẩm mới đi vào sản xuất từ cuối năm 2024), tạo “đột phá” với doanh thu ước đạt khoảng 1.500 tỷ đồng trong tháng 1/2025; dự kiến tháng 2/2025, sản lượng tăng thêm 11,76% so với tháng trước, khẳng định tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp công nghệ cao tại Nam Định.
Bến Tre tăng 17,3%
Điểm mạnh của địa phương này là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và phân phối điện. Bên cạnh đó, Bến Tre có chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,1% trong 2 tháng đầu năm.
Kiên Giang tăng 17,2%
Theo cơ quan thống kê tỉnh Kiên Giang, 2 tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Kiên Giang tăng 17,2%, trong đó một số nhóm ngành chủ lực tiếp tục tăng trưởng nhờ số lượng đơn hàng mới tăng mạnh trở lại, đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp.
Đáng chú ý, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn trong thời gian qua. Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện Kiên Giang tăng 12,7% trong 2 tháng đầu năm 2025.
Báo cáo của Cục Thống kê cho thấy, 2 tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 tăng 6,5%). Chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao và ngược lại. |

(Trong khuôn viên Tổng Công Ty Thái Sơn - Bộ Quốc Phòng)
Điện thoại: 028 6658 9888
Email: info@amakiquantum.com
