Chỉ số sản xuất công nghiệp sau 2 tháng liên tiếp giảm nhiều sang tháng 3/2024 đã đạt mức tăng 7,34% nên. Tính chung 3 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 8,7% so với cùng kỳ. “Sản xuất công nghiệp của tỉnh đã “thoát đáy” phục hồi phát triển. Đây là thành quả mà Bắc Ninh đang luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất cho sản xuất kinh doanh”, báo cáo của Sở Công Thương nêu rõ.
Để thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp trong những tháng tới, tỉnh Bắc Ninh xác định, tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Theo dõi, thúc đẩy sản xuất của từng ngành, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực; chủ động nắm bắt, triển khai các giải pháp phù hợp, linh hoạt để tháo giỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Hoàn thành các thủ tục thành lập Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh. Khẩn trương tổ chức Hội nghị sơ kết và khởi động chương trình hỗ trợ năm 2024 theo thực Biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh, Bộ Công thương và Công ty TNHH SamSung Electronics Việt Nam về chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh, qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp Việt trên địa bàn nâng cao năng lực và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị…
Động lực từ khuyến công
Sự “thoát đáy” của công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, nhất là công nghiệp nông thôn Bắc Ninh còn được nhận định nhờ hiệu quả từ chương trình khuyến công, tác động trực tiếp nhất là nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất.
Đơn cử, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, năm vừa qua, Trung tâm Phát triển Công Thương tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất giấy Tissue”, tại Công ty cổ phần sản xuất và thương mại quốc tế Thuận Phát, phường Châu Phong, Thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Sau khi đề án hoàn thành, với công suất theo thiết kế 15.000 tấn sản phẩm tissue/năm (giấy ăn, giấy vệ sinh...), mô hình sản xuất giấy Tissue của Công ty cổ phần sản xuất và thương mại quốc tế Thuận Phát đem lại doanh thu cho công ty khoảng 210 tỷ đồng/năm, cung cấp nhiều loại sản phẩm giấy Tissue cho các đơn vị trong nước và đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, mô hình sản xuất giấy Tissue cũng sẽ tạo việc làm cho khoảng 150 lao động với mức thu nhập thu nhập bình quân từ 8-10 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, Trung tâm cũng triển khai 15 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Các đề án hoàn thành đã giúp cho đơn vị thụ hưởng giải quyết việc làm cho lao động với mức thu nhập ổn định góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty. Giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường, tăng giá trị sản xuất, sản phẩm hàng hóa được đa dạng hóa, nâng cao chất lượng, số lượng, tăng sức cạnh tranh, hiệu quả kinh tế.
Sang năm 2024, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất và hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật vẫn là nội dung được ngành Công Thương Bắc Ninh ưu tiên triển khai. Tỉnh đã đăng ký và đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ kinh phí 2 đề án: Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới; đề án nhóm “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất”.
Từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, Bắc Ninh dự kiến hỗ trợ 17 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ứng dụng đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, kinh phí theo kế hoạch 5.100 triệu đồng. Hiện tại Trung tâm đã khảo sát, lập hồ sơ đề án hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị thụ hưởng trình Hội đồng thẩm định Sở phê duyệt.
Nhằm tiếp tục phát huy tác động tích cực của công tác khuyến công tới công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp của tỉnh, Bắc Ninh phấn đấu thực hiện hoàn thành 100% các đề án khuyến công quốc gia và địa phương đã được phê duyệt.
Khuyến khích chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệt, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Thúc đẩy hoạt động kết nối giao thông các sản phẩm công nghiệp nông thôn; hình thành các sản phẩm, nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh cao đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.