Tin công nghiệp
ĐTO - Ngày 9/8, tại Khu du lịch Mỹ Trà, TP Cao Lãnh, Sở Công thương Đồng Tháp tổ chức Hội nghị tập huấn về “Sản xuất và tiêu dùng bền vững (SX&TDBV) cho cán bộ quản lý nhà nước và cán bộ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp”. Tham dự lớp tập huấn có gần 60 đại biểu đại diện các sở, ngành, địa phương và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đại diện Sở Công thương thông tin về Kế hoạch thực hiện “Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”
Lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, năng lực hoạt động SX&TDBV cho cán bộ quản lý nhà nước và cán bộ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp về chủ trương, chính sách, giải pháp thúc đẩy các hoạt động SX&TDBV; đồng thời thông tin các chương trình hỗ trợ về SX&TDBV đến các tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Tại lớp tập huấn, Sở Công thương Đồng Tháp thông tin đến các đại biểu về Chương trình hành động quốc gia về SX&TDBV giai đoạn năm 2021 - 2030; Kế hoạch thực hiện “Chương trình hành động quốc gia về SX&TDBV giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”.
Theo đó, để thực hiện mục tiêu SX&TDBV hiệu quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh đề ra 8 mục tiêu cụ thể như sau: trong giai đoạn 2021 - 2025, các ngành chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh phải giảm từ 5 - 8% mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu; 100% các khu, cụm công nghiệp, làng nghề có nhận thức về SX&TDBV; 85% các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy; xây dựng từ 2 - 3 mô hình SX&TDBV, phổ biến, nhân rộng các mô hình về sản xuất sạch hơn, các mô hình về SX&TDBV; 100% các huyện, thành phố hàng năm có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về lối sống, tiêu dùng bền vững; 100% các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường thay thế sản phẩm bao bì khó phân hủy và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; xây dựng ít nhất 3 chuỗi liên kết cho ngành hàng chủ lực; thúc đẩy chuỗi cung ứng theo hướng phát triển bền vững...
Riêng đối với giai đoạn đến năm 2030, UBND tỉnh đề ra 4 mục tiêu cụ thể: giảm 7-10% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế cho sản phẩm bao bì nhựa sử dụng một lần, khó phân hủy; giảm thiểu ít nhất 90% túi nhựa khó phân hủy được sử dụng đối với các chợ đạt chuẩn văn minh và 80% đối với các chợ nông thôn mới; phổ biến các mô hình về áp dụng sản xuất sạch, kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững...
Song để hoàn thành được mục tiêu trên, các đại biểu tham gia lớp tập huấn cho rằng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các các sở, ngành, địa phương cùng cộng đồng doanh nghiệp... Bởi SX&TDBV không chỉ là giải pháp giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn là hướng đi bắt buộc khi các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tại các thị trường khó tính trên thế giới...
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe TS. Nguyễn Minh Tú - Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế Tuần hoàn Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chia sẻ về các giải pháp áp dụng kinh tế tuần hoàn đối với chất thải trong một số ngành sản xuất công nghiệp góp phần hướng tới SX&TDBV trên địa bàn Đồng Tháp với một số ngành sản xuất công nghiệp thế mạnh của Đồng Tháp như: ngành hàng chế biến thủy sản, chế biến thức ăn, ngành xay xát lau bóng gạo, chế biến thực phẩm rau củ quả...
Tại lớp tập huấn, các học viên được trao đổi, chia sẻ những thông tin, kiến thức, kinh nghiệm về SX&TDBV, sản xuất sạch hơn; mô hình kinh tế tuần hoàn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu trong hoạt động sản xuất và tiêu dùng. Khuyến khích phát triển các mạng lưới liên kết bền vững giữa các cơ sở phân phối, bán lẻ với các nhà cung ứng về nguyên liệu, hàng hóa và sản phẩm thân thiện môi trường; thúc đẩy phân phối và tiêu dùng bền vững đối với sản phẩm thân thiện môi trường...
MỸ LÝ
(Trong khuôn viên Tổng Công Ty Thái Sơn - Bộ Quốc Phòng)
Điện thoại: 028 6658 9888
Email: [email protected]