Tin công nghiệp
Công nghiệp hỗ trợ có vai trò quan trọng, là "đầu vào" để chế tạo các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giúp cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo sự tăng trưởng bền vững. Nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp hỗ trợ phát triển nhanh, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, tỉnh tích cực triển khai các cơ chế chính sách ưu đãi, tạo thế và lực để các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng sản xuất.
Sự xuất hiện của các “ông lớn”
Xác định lấy công nghiệp làm nền tảng để thúc đẩy kinh tế phát triển, tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, quy mô ngành Công nghiệp đến năm 2024 đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố; giá trị tăng thêm của ngành xe máy giữ vị trí số 1 và linh kiện điện tử đứng thứ 6 cả nước sau Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Nhìn chung, sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế đúng hướng, với tỷ trọng ngành Công nghiệp chiếm gần 45% và khoảng 99% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp là công nghiệp chế biến, chế tạo.
Tuy nhiên, trong một thời gian dài, ngành Công nghiệp hỗ trợ của tỉnh được đánh giá không cao, chỉ một số ít doanh nghiệp có thể chen chân vào chuỗi cung ứng sản xuất với các sản phẩm cơ khí, chi tiết nhỏ, giá trị không lớn. Không chỉ hạn chế về mặt số lượng mà quy mô các nhà cung cấp trên địa bàn tỉnh cũng rất hạn hẹp.
Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vĩnh Phúc sẽ phát triển ngành Công nghiệp theo chiều sâu, tạo đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, gắn với mục tiêu bảo đảm các điều kiện về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả nước về công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, ô tô - xe máy…
Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tàu nhằm định hướng, dẫn dắt ngành Công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là các doanh nghiệp vốn đầu tư trong nước (DDI) đang có thế mạnh về lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ để đặt nền móng thúc đẩy sự phát triển.
Có mặt tại khu vực xưởng sản xuất của nhà máy CNCTech Thăng Long (KCN Thăng Long Vĩnh Phúc), môi trường sản xuất hiện đại, chủ yếu sử dụng các rô bốt tự động, nhờ đó chỉ trong thời gian ngắn, CNCTech trở thành nhà cung cấp các linh kiện cơ khí chính xác hàng đầu cho hãng xe điện hàng đầu Việt Nam Vinfast.
CNCTech đã tích cực đổi mới công nghệ sản xuất, đi trước đón đầu với hệ thống tự động hóa toàn diện. Quy trình sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ tự động hóa, sản phẩm đạt độ chính xác cao, tiết kiệm tối đa nguồn nguyên vật liệu giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí sản xuất, từ đó nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.
Ngoài ra, trong ngành sản xuất linh kiện điện tử, số lượng doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 cho các công ty, tập đoàn đứng đầu chuỗi như Samsung, LG, Panasonic… tăng nhanh, tạo môi trường thuận lợi cho việc hình thành mạng lưới các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ lĩnh vực điện tử.
Đa phần các doanh nghiệp hỗ trợ ngành điện tử đến từ khối doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhất là các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản có công nghệ hiện đại, trình độ quản lý cao.
Với sự xuất hiện của các "ông lớn" trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ như CNCTech, BHflex, Jahwa Vina... đem lại điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh có thêm cơ hội tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường và không gian phát triển trong lĩnh vực cơ khí, điện tử, bán dẫn trong tương lai.
Cần thêm trợ lực để phát triển bền vững
Công nghiệp hỗ trợ sẽ là điểm tựa để tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao khả năng giữ chân các “đại bàng”, từ đó đảm bảo ngành Công nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Theo Sở Công thương, đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 400 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ; hơn 70 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn lớn; 4 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy hoàn chỉnh là Công ty Toyota Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam, Công ty Deawoo Bus, Công ty Piaggio Việt Nam.
Để thúc đẩy các doanh nghiệp hỗ trợ phát triển hơn nữa, tỉnh tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách, nhất là Nghị quyết số 57 của HĐND tỉnh về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 39 của UBND tỉnh quy định về hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 23 của UBND tỉnh về ban hành quy chế quản lý và sử dụng kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh; Quyết định số 3663 về ban hành chương trình hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025.
Triển khai hiệu quả Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cụ thể, chi tiết để cơ chế chính sách có thể tác động sâu rộng nhất có thể, tạo ra trợ lực đủ mạnh để đưa các nhà cung cấp thuần Việt vươn mình, tham gia vào quá trình sản xuất các sản phẩm chủ lực như cơ khí chế tạo, điện tử, bán dẫn.
Đây cũng là yếu tố quyết định để tỉnh tiến tới tự chủ công nghệ sản xuất, trở thành trung tâm công nghiệp có công nghệ hiện đại, trung tâm kinh tế của khu vực và cả nước.

(Trong khuôn viên Tổng Công Ty Thái Sơn - Bộ Quốc Phòng)
Điện thoại: 028 6658 9888
Email: info@amakiquantum.com
