Tin công nghiệp
Với việc thu hút hơn 50.000 lượt khách chỉ trong 5 ngày diễn ra, sự kiện này đã mở ra nhiều triển vọng cho phát triển công nghiệp văn hóa từ lễ hội Thủ đô.
Quảng bá bản sắc địa phương
Sau rất nhiều nỗ lực và sự quyết tâm vào cuộc của quận Tây Hồ, Lễ hội Sen Hà Nội lần đầu tiên được tổ chức tại không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ thực sự trở thành điểm hẹn văn hóa trong suốt thời gian từ 12 - 16/7. Hình ảnh du khách check-in với hoa sen, những tác phẩm nghệ thuật được làm từ sen… tràn ngập trên mạng xã hội với nhiều lời khen có cánh.
Chị Nguyễn Thị Thu Trang (quận Hà Đông) chia sẻ: “Tôi đã đến Hồ Tây để chụp ảnh mùa sen nhiều năm qua. Tuy nhiên, năm nay được trải nghiệm Lễ hội Sen Hà Nội, tôi thấy có nhiều hoạt động khá đa dạng, tạo không gian vui chơi cho người dân và quảng bá rộng rãi vẻ đẹp, tinh hoa sen Hồ Tây vốn nổi tiếng lâu nay”.
Bên cạnh lễ khai mạc được tổ chức ấn tượng với điểm nhấn là chương trình bán thực cảnh “Chuyện của sen”, Lễ hội Sen Hà Nội còn có nhiều hoạt động hấp dẫn như triển lãm không gian nghệ thuật sắp đặt sen; ngày hội đạp xe hành trình xanh “Sắc sen Tây Hồ” với số lượng người tham gia kỷ lục 7.000 người đạp xe quanh Hồ Tây... Cùng với đó, tại khu vực diễn ra lễ hội còn giới thiệu hàng trăm sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc, sản phẩm được làm từ sen đến với du khách gần xa.
Du khách tham quan Lễ hội Sen Hà Nội 2024. Ảnh: Công Hùng
Theo thống kê của UBND quận Tây Hồ, Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024 đã thu hút hơn 50.000 lượt người tới tham quan, mua sắm, tham gia các hoạt động. Doanh thu của các đơn vị tham gia lễ hội và tổng giá trị hợp đồng, biên bản ghi nhớ cam kết thu mua, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, các sản phẩm từ sen, trà đạt hơn 11 tỷ đồng.
Trước Tây Hồ, huyện Đan Phượng cũng từng tổ chức một lễ hội nông sản, văn hóa khá đặc sắc, thu hút đông đảo người dân tới tham quan, mua sắm. Cụ thể, “Festival Nông sản - Văn hóa - Ẩm thực - Du lịch huyện Đan Phượng năm 2023” được tổ chức vào tháng 11/2023, với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc như liên hoan và giới thiệu, quảng bá ẩm thực, trình diễn các loại hình văn hóa phi vật thể…
Ngoài ra còn có không gian trưng bày sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành, quận, huyện và nông sản trên địa bàn huyện Đan Phượng.
“Khác với các sự kiện quảng bá thương mại khác là chỉ trưng bày, giới thiệu sản phẩm, điểm mới và là điểm sáng tạo của huyện Đan Phượng là tích hợp nông sản, văn hóa, ẩm thực, du lịch, lấy cốt lõi từ các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc, tiêu biểu của huyện. Đó là văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, từ các di tích lịch sử, đặc biệt là cụm di tích xã Hạ Mỗ, văn hóa phi vật thể ca trù Thượng Mỗ, chèo tàu Tân Hội, diều Bá Giang…” – Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết.
Chỉ trong 4 ngày diễn ra, “Festival Nông sản - Văn hóa - Ẩm thực - Du lịch huyện Đan Phượng năm 2023” đã thu hút sự tham gia của khoảng trên 80.000 lượt khách trong và ngoài huyện tham quan, trải nghiệm, mua sắm, thưởng thức các giá trị văn hóa. Tổng giá trị hàng hóa sản xuất, mua bán trong 4 ngày đạt khoảng 20 tỷ đồng. Đây là một con số không nhỏ với một sự kiện lễ hội ở ngoại thành.
Nói như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, trong mỗi sản phẩm OCOP có tích hợp đa giá trị, có niềm tự hào về giá trị văn hóa bản địa. “Ngày nay, người ta không mua sản phẩm nữa mà mua cách tạo ra sản phẩm đó, gồm tâm thế, văn hóa, câu chuyện, cảm xúc trong quá trình tạo ra sản phẩm” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Phát triển hệ sinh thái văn hóa để tạo ra nhiều giá trị
Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành một nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa. Theo đó, Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đặt quan điểm đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Phấn đấu đến năm 2025 các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5% GRDP của TP. Trong đó, tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp văn hóa có sẵn lợi thế như du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn, ẩm thực…
Theo Sở VH&TT Hà Nội, trên địa bàn TP có khoảng 1.500 lễ hội, trong đó có nhiều lễ hội lớn như lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), lễ hội gò Đống Đa, hội đền Gióng (Sóc Sơn)… TP cũng có nhiều vùng trồng hoa, cây cảnh có khả năng xây dựng thành những lễ hội để thu hút du khách như vùng hoa Mê Linh; vùng trồng đào Nhật Tân; vùng sen Mỹ Đức, Thanh Oai… Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để phát triển công nghiệp văn hóa từ các lễ hội, cần xây dựng hệ sinh thái sản phẩm đa dạng, quy hoạch thành các khu, điểm đến du lịch đặc trưng.
Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn
Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho rằng, so với các địa phương khác như Mỹ Đức, Mê Linh thì quận Tây Hồ không phải vùng trồng sen lớn nhất. Tuy nhiên, Tây Hồ có lợi thế là sở hữu không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ, nhiều di tích văn hóa lịch sử, sản phẩm OCOP truyền thống…
Do đó, thành công của Lễ hội Sen Hà Nội là kết hợp hệ sinh thái từ nhiều sản phẩm để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. “Nếu lễ hội sen chỉ có đơn độc hoa sen, du khách đến chụp ảnh xong đi về ngay, giá trị gia tăng thấp. Do đó, cần phải tổ chức gắn với các khu vực đặc thù và có thêm các sản phẩm từ sen, sản phẩm OCOP vùng miền khác để du khách trải nghiệm ăn uống, mua sắm, tiêu dùng” – ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh.
Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho biết, Lễ hội Sen Hà Nội được tổ chức nhằm phát huy giá trị tự nhiên, con người và các làng nghề nổi tiếng để phát triển công nghiệp văn hóa. Thời gian tới, quận sẽ quy hoạch, khai thác các điểm tham quan, ẩm thực, trải nghiệm về sen trên địa bàn để thu hút du khách trong và ngoài nước một cách bền vững. Quận Tây Hồ cũng liên kết tổ chức các hoạt động như ngày hội đạp xe bên Hồ Tây, đua thuyền rồng, dù lượn và sử dụng phố đi bộ Trịnh Công Sơn làm không gian sáng tạo cho các hoạt động về sen...
(Trong khuôn viên Tổng Công Ty Thái Sơn - Bộ Quốc Phòng)
Điện thoại: 028 6658 9888
Email: [email protected]