Tin công nghiệp
Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, giá trị tăng thêm (VA) của khu vực công nghiệp và xây dựng trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 1,7% so với cùng kỳ 2023, đóng góp 0,32 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP chung 5% của TP nửa đầu năm nay. Trong đó, ngành công nghiệp tăng 0,94%, xây dựng tăng 4,03%.
Riêng với ngành công nghiệp, chỉ số sản xuất (IIP) 6 tháng qua ước tăng 3,8% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 14,6%; hoạt động cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,3%; riêng hoạt động khai khoáng giảm 31,5%.
Với vai trò dẫn dắt sự tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp, một số ngành trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng khá ấn tượng như dệt (+52,1%); hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị (+32,0%); sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (+22,2%)…
Tuy nhiên vẫn còn nhiều ngành vẫn tiếp tục đối mặt khó khăn, đơn hàng giảm, sản xuất thu hẹp, như sản xuất phương tiện vận tải khác (-41%); sản xuất da và các sản phẩm liên quan (-21,7%); sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (-21,1%); chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ (-20,3%); sản phẩm điện tử, máy vi tính (-14,1%)...
Do tình hình trên, chỉ số tồn kho ngành chế biến, chế tạo dự kiến đến cuối tháng 6 ước tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tồn kho cao nhất so với cùng kỳ các năm kể từ 2021 đến nay. Các nhóm ngành có lượng hàng tồn kho khá cao, tác động đến mức tồn kho chung là sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu (+193,4%); dệt (+148,9%); sản xuất xe có động cơ (+95,4%); sản xuất kim loại (+13,2%); sản xuất thiết bị điện (+8,3%).
Chỉ số sử dụng lao động toàn ngành công nghiệp Đà Nẵng 6 tháng qua cũng ước giảm 1,6% so với cùng kỳ. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,5%; sản xuất và phân phối điện giảm 2%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 2,5%...
Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, sản xuất công nghiệp trên địa bàn 6 tháng qua tiếp tục đối mặt với khó khăn do kinh tế thế giới phục hồi chậm, chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm tổng cầu yếu đi khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm; công tác triển khai đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời.
Cục Thống kê Đà Nẵng cho rằng, sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế số và xu hướng chuyển đổi xanh, liên kết kinh tế đã và đang tạo ra những cơ hội lớn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng bứt phá, tăng tốc.
“Tuy nhiên khả năng chịu đựng các cú sốc bên ngoài của công nghiệp Đà Nẵng còn yếu; các ngành công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển; sản xuất, xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên, vật liệu. Do vậy phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường luôn là thách thức đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn”, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Văn Vũ, nhấn mạnh.
(Trong khuôn viên Tổng Công Ty Thái Sơn - Bộ Quốc Phòng)
Điện thoại: 028 6658 9888
Email: [email protected]