Tin công nghiệp
Ngành công nghiệp khí Việt Nam 30 năm hình thành và phát triển.
Từ khi có dòng khí đầu tiên đưa về bờ vào tháng 4 năm 1995 đến nay, ngành công nghiệp khí đã cung cấp trên 176 tỷ m3 khí khô, 27 triệu tấn LPG, 2,2 triệu tấn xăng nhẹ cho thị trường trong nước. Với sứ mệnh mang nguồn năng lượng thân thiện với môi trường phục vụ phát triển kinh tế đất nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia, ngành công nghiệp khí đang cung cấp nguồn nguyên, nhiên liệu ổn định để sản xuất gần 10% sản lượng điện toàn quốc, 70% nhu cầu phân đạm của cả nước, cung cấp các sản phẩm khí đa dạng gồm khí đường ống, LPG, CNG, LNG làm nhiên liệu cho nhiều ngành công nghiệp, khu công nghiệp trên toàn quốc.
GPP Dinh Cố - công trình khí đầu tiên trên bờ của PV GAS |
Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được giao nhiệm vụ chủ đạo xây dựng, phát triển và dẫn dắt ngành công nghiệp khí Việt Nam, trong gần 35 năm qua đã hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất ngành công nghiệp khí tương đối hoàn chỉnh gồm: (i) 05 hệ thống khí (Cửu Long, Nam Côn Sơn 1, Nam Côn Sơn 2, PM3 – Cà Mau, Hàm Rồng – Thái Bình) với tổng chiều dài các đường ống khí trên 1.500 km dẫn từ ngoài khơi - thềm lục địa Việt Nam, tiếp bờ, đi qua nhiều địa phương (các tỉnh/thành phố: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Hồ Chí Minh, Cà Mau, Thái Bình); (ii) 03 nhà máy xử lý khí (Nhà máy xử lý khí Dinh Cố, Nhà máy xử lý khí Nam Côn Sơn và Nhà máy xử lý khí Cà Mau) với tổng công suất trên 10 tỷ m3/năm; (iii) 14 kho chứa LPG trên cả nước với tổng công suất gần 150 nghìn tấn; (iv) hệ thống phân phối khí/sản phẩm khí, các trạm chiết nạp rộng khắp trên toàn quốc. Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển đến nay, PV GAS đã mang lại doanh thu gần 1,2 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 220 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 106 nghìn tỷ đồng và đang sở hữu tổng tài sản gần 100 nghìn tỷ đồng.
Thực trạng nguồn cung khí nội địa và nhu cầu khí cho phát điện giai đoạn đến năm 2030.
Sau giai đoạn phát triển và tăng trưởng nguồn cung khí nội địa đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế đất nước, trong 5 năm gần đây nguồn cung khí nội địa đã bắt đầu suy giảm và tiếp tục suy giảm với tốc độ ngày càng nhanh. Nếu như năm 2019 sản lượng khí nội địa đạt đỉnh kỷ lục trên 10 tỷ m3 thì 5 năm trở lại đây, sản lượng khí nội địa suy giảm liên tục với tốc độ bình quân 10% mỗi năm. Dự báo đến năm 2030, nguồn cung khí nội địa của các mỏ hiện tại chỉ còn 2 tỷ m3, bằng 30% sản lượng bình quân của 30 năm trước đây.
Kho cảng LNG của PV GAS tại Thị Vải – Bà Rịa - Vũng Tàu |
Trong khi đó, nhu cầu khí cho sản xuất điện ngày càng tăng để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế đất nước. Chính vì vậy, song song với việc phát triển các nguồn khí trong nước, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và nhập khẩu LNG đóng vai trò trọng yếu đối với an ninh năng lượng quốc gia. Ngày 15/5/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch Điện 8). Quy hoạch Điện 8 đặt ra mục tiêu phát triển các nguồn điện đến năm 2030 đạt hơn 150 nghìn MW, tăng gần gấp đôi so với công suất đặt nguồn điện hiện nay là 80 nghìn MW. Trong đó điện khí trong nước và điện khí LNG đạt 37.330 MW chiếm 24,8% tổng công suất các nguồn điện. Tính riêng nguồn điện khí LNG đến năm 2030 theo Quy hoạch Điện 8 sẽ đạt 22.524 MW chiếm 14,9% tổng công suất nguồn điện và chiếm 32% công suất tăng thêm trong thời gian từ nay đến năm 2030. Như vậy, có thể thấy việc phát triển ngành công nghiệp khí và LNG đóng vai trò rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng năng lượng phục vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước trong giai đoạn 6 năm tới. Hơn thế, với đặc tính ít phát thải hơn so với các nguồn nhiên liệu hóa thạch khác, điện khí LNG là gạch nối quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng theo xu hướng sử dụng nhiên liệu giảm phát thải, tiến đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26.
Thách thức để phát triển LNG tại Việt Nam.
Thực tế việc triển khai các dự án điện khí LNG hiện nay còn khá chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu so với mục tiêu của Quy hoạch Điện 8. Vì vậy, vấn đề cấp thiết đặt ra là phải nhận diện và giải quyết các thách thức của điện khí LNG một cách tổng thể và đồng bộ nhằm thúc đẩy các dự án này đáp ứng tiến độ đặt ra trong Quy hoạch Điện 8.
Xe bồn LNG xuất trạm từ Kho LNG tại Thị Vải |
Theo Quy hoạch, đến năm 2030 cả nước có 13 dự án điện khí LNG, tiêu thụ khoảng 22,5 tỷ m3 khí/năm, tương đương 16,1 triệu tấn LNG/năm với tổng nhu cầu vốn cho các dự án nhà máy điện và hạ tầng Kho cảng nhập khẩu LNG lên đến hàng chục tỷ đô, đòi hỏi thời gian triển khai từ 7 đến 10 năm cho mỗi dự án. Hiện nay, chỉ có dự án nhà máy Điện Nhơn Trạch 3&4 đang thi công xây dựng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024; các dự án còn lại đều chưa triển khai xây dựng, trong đó có 2 dự án còn chưa xác định được chủ đầu tư. Với tình hình trên, có thể thấy rằng để đạt mục tiêu đưa tất cả các dự án điện khí LNG vào vận hành trước năm 2030 theo Quy hoạch Điện 8 là thách thức rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh vẫn còn những vướng mắc trong đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ chế chính sách, chưa tạo được môi trường thực sự thuận lợi để thúc đẩy triển khai các dự án này.
Về cơ chế chính sách cho phát triển các dự án điện khí LNG, các diễn biến gần đây cho thấy các nguồn tài nguyên sơ cấp trong đó có LNG có tầm quan trọng chiến lược và trên thực tế đã được sử dụng như vũ khí để bảo vệ lợi ích quốc gia. Cho đến nay Việt Nam chưa có chính sách về công tác nhập khẩu LNG cho sản xuất điện và phân giao đầu mối nhập khẩu LNG, ngoại trừ dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 & 4 được Chính phủ chỉ định PV GAS. Với quy mô thị trường LNG của Việt Nam còn khiêm tốn, trong khi các hợp đồng mua LNG nhập khẩu có giá trị lớn kèm theo nhiều điều kiện nghiêm ngặt về kỹ thuật và tài chính, việc không tập trung đầu mối nhập khẩu sẽ làm giảm lợi thế đàm phán, ảnh hưởng đến giá LNG nhập khẩu.
Liên quan đến thực trạng cơ sở hạ tầng nhập khẩu LNG tại Việt Nam: qua nghiên cứu kinh nghiệm thực tế các nước, cơ sở hạ tầng cảng nhập và kho chứa LNG được ưu tiên quy hoạch tập trung tại một số trung tâm có tính tích hợp cao để cung cấp LNG tái hóa cho các cụm nhà máy nhiệt điện bằng các đường ống dẫn khí có kết nối với hệ thống đường ống dẫn khí quốc gia. Mô hình này không chỉ giảm suất đầu tư mà còn mang lại nhiều lợi ích linh hoạt trong vận hành thương mại, hỗ trợ khai thác hạ tầng tối ưu, tiết kiệm chi phí dự trữ nhiên liệu khi so sánh với mô hình một nhà máy điện – một kho cảng LNG. Cho đến nay, Việt Nam mới chỉ có duy nhất kho cảng trung tâm LNG Thị Vải 1 triệu tấn/năm của PV GAS đã đưa vào vận hành từ tháng 07/2023 và đang triển khai nâng công suất lên 3 triệu tấn/năm vào năm 2026 phục vụ cho toàn bộ khu vực Đông Nam Bộ. Ngoài ra, PV GAS đang triển khai dự án kho cảng trung tâm LNG Sơn Mỹ tại Bình Thuận với công suất lên đến 6 triệu tấn/năm, phục vụ cho 2 nhà máy điện Sơn Mỹ và khu vực Nam Trung Bộ. Tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, PV GAS cũng đang tích cực tìm kiếm, lựa chọn địa điểm để đầu tư 2 kho cảng LNG trung tâm với công suất mỗi trung tâm 3 triệu tấn/năm. Như vậy, 4 kho cảng LNG trung tâm của PV GAS đã và đang dự kiến triển khai đầu tư với quy mô công suất 15 triệu tấn/năm sẽ đáp ứng đủ nhu cầu cho 13 nhà máy điện LNG theo Quy hoạch Điện 8. PV GAS là doanh nghiệp nhà nước do Petrovietnam nắm giữ 96% cổ phần, với vốn hóa thị trường hơn 180 nghìn tỷ đồng; và là doanh nghiệp duy nhất trong ngành công nghiệp khí Việt Nam sở hữu hệ thống cơ sở hạ tầng công nghiệp khí hoàn chỉnh, có tiềm lực tài chính vững mạnh và gần 35 năm tích lũy năng lực đầu tư, kinh nghiệm vận hành, khai thác hiệu quả các công trình khí có quy mô quốc gia. Thiết kế tích hợp hạ tầng các kho cảng LNG trung tâm vào hệ thống cơ sơ hạ tầng công nghiệp khí quốc gia mà PV GAS đang thay mặt Nhà nước làm chủ sở hữu là phương án tối ưu về cả suất đầu tư và vận hành thương mại của chuỗi điện khí LNG.
Giải pháp để phát triển LNG tại Việt Nam
Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 (Nghị quyết 41) đã chỉ ra ngành công nghiệp khí phát triển theo hướng giảm dần tỉ trọng sử dụng khí cho điện và chất đốt, tăng cường cho chế biến sâu, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng kho cảng để sẵn sàng nhập khẩu khí và xây dựng hệ thống đường ống kết nối các khu vực hình thành hệ thống đường ống dẫn khí quốc gia. Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 55) cũng nêu rõ: “ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hoá lỏng (LNG). Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống”.
Người lao động PV GAS trên công trình khí |
Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện Nghị quyết số 41 và một số định hướng cho giai đoạn mới (Kết luận 76) đã chỉ ra 3 giải pháp để thúc đẩy ngành công nghiệp khí cho giai đoạn mới là: (i) “có kế hoạch nhập khẩu khí (trọng tâm là LNG) phù hợp, hiệu quả, chú trọng các hợp đồng dài hạn. Thực hiện cơ chế chuyển ngang giá và sản lượng khí làm nhiên liệu đầu vào cho các dự án sản xuất điện.”; (ii) “Xây dựng các trung tâm năng lượng quốc gia tích hợp khí, LNG – điện, ... quy mô lớn”; (iii) “tăng cường chế biến sâu, ... Đồng thời, nghiên cứu, đầu tư các dự án hóa dầu (bao gồm cả hóa dầu từ khí)”.
Căn cứ tình hình, yêu cầu thực tiễn và kết luận của Bộ Chính trị về một số định hướng để phát triển ngành công nghiệp khí góp phần đảm bảo an ninh năng lượng trong tình hình mới, cần tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Nghị quyết 41 và Kết luận 76 cụ thể như sau:
Một là ưu tiên đầu tư các Kho cảng LNG trung tâm, công suất lớn ở các địa điểm có tính tích hợp cao, có tính đến kết nối với hệ thống đường ống dẫn khí quốc gia nhằm tối ưu chi phí đầu tư, tối ưu tài nguyên cảng biển và giảm giá thành phát điện.
Hai là cơ chế nhập khẩu LNG: trước mắt từ nay đến 2030 giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam/Tổng công ty Khí Việt Nam là đơn vị đầu mối ký kết hợp đồng nhập khẩu LNG cho các nhà máy điện trong Quy hoạch Điện 8; Petrovietnam/PV GAS thay mặt Nhà nước ở vị thế quốc gia để đàm phán với các đối tác nước ngoài và chịu trách nhiệm xây dựng quy định/quy trình mua LNG phù hợp với đặc thù của ngành và thông lệ quốc tế đảm bảo công bằng, minh bạch, cạnh tranh.
Ba là cơ chế tiêu thụ LNG cho phát điện: chấp thuận cơ chế chuyển ngang giá, phí và bao tiêu sản lượng điện dài hạn cho các nhà máy điện khí LNG. Bổ sung các quy định liên quan đến xác định cước phí nhập khẩu, tồn trữ, tái hóa và phân phối LNG.
Thực thi sứ mệnh phát triển ngành công nghiệp khí góp phần đảm bảo an ninh năng lượng trong tình hình mới
Trong suốt hành trình 34 năm xây dựng và phát triển, PV GAS luôn nhận được sự chỉ đạo, ủng hộ, tạo điều kiện của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; sự sâu sát, đồng hành, chỉ đạo của Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, làm nên hình hài của ngành công nghiệp khí Việt Nam, tự hào song hành cùng những bước phát triển của đất nước.
Việt Nam đang ở giai đoạn quyết định trong quá trình chuyển dịch năng lượng, trong đó điện khí LNG giữ vị trí trọng yếu trong cơ cấu nguồn điện tăng thêm đến năm 2030, đồng thời điện khí LNG cũng là cầu nối quan trọng trong quá trình chuyển đổi theo xu hướng sử dụng nhiên liệu giảm phát thải, tiến đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26. Với định hướng phát triển kinh tế đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam, đây là thời điểm vàng để phát triển các ngành công nghiệp theo xu hướng xanh hóa, bền vững và thân thiện với môi trường, trong đó bước khởi đầu là sự chuyển dịch của chính ngành công nghiệp năng lượng.
Tận dụng nguồn khí trong nước phục vụ chế biến và gia tăng giá trị sản phẩm song song với việc phát triển ngành công nghiệp LNG để nắm bắt các cơ hội từ thị trường thế giới, ngành công nghiệp khí Việt Nam rất cần có sự dẫn dắt của PV GAS cùng với việc tháo gỡ và hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan. Với xu hướng thị trường của nền kinh tế Việt Nam, việc phát triển ngành công nghiệp khí đồng nghĩa với việc phát triển ngành năng lượng theo hướng đa dạng hóa nguồn năng lượng, tiến tới ngành công nghiệp xanh, giảm phát thải, đảm bảo hơn nữa an ninh năng lượng quốc gia.
Phạm Văn Phong
(Trong khuôn viên Tổng Công Ty Thái Sơn - Bộ Quốc Phòng)
Điện thoại: 028 6658 9888
Email: [email protected]