Tin công nghiệp
Công ty CP Đầu tư sản xuất và Thương mại dịch vụ Phương Anh đang tạo việc làm cho trên 40 lao động địa phương. |
Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của huyện Phú Bình chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng trưởng nhanh tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Toàn huyện hiện có 3.000 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, hơn 300 doanh nghiệp, hợp tác xã (tăng 81 đơn vị so với năm 2022). Lĩnh vực hoạt động chủ yếu là: may mặc; sản xuất và chế biến thực phẩm; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất, gia công đồ cơ khí, vật liệu xây dựng… Thời gian qua, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên đã duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, tạo việc làm cho trên 20 nghìn lao động.
Qua đánh giá các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của UBND huyện năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (theo giá so sánh) đạt 25.700 tỷ đồng, tăng gần 2.900 tỷ đồng so với năm 2020. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp địa phương đạt 2.128 tỷ đồng, tăng 589 tỷ đồng.
Để có được kết quả trên, thời gian qua, phát huy lợi thế trên địa bàn có hệ thống giao thông kết nối liên huyện, liên tỉnh thuận lợi, huyện đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị lập quy hoạch 6 khu công nghiệp, 8 cụm công nghiệp nằm dọc ở các tuyến đường giao thông huyết mạch. Từ đó tạo quỹ đất thu hút doanh nghiệp đầu tư.
Đến nay, Cụm công nghiệp Kha Sơn và Khu công nghiệp Điềm Thụy đã đi vào hoạt động. Tại Cụm công nghiệp Kha Sơn, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG xây dựng nhà máy may, duy trì việc làm ổn định cho gần 5 nghìn lao động, với thu nhập bình quân đạt trên 9 triệu đồng/người/tháng.
Nhằm tạo môi trường thuận lợi, thu hút doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, huyện cũng đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trọng tâm là nâng cao nghiệp vụ cán bộ, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, số hóa hồ sơ. Từ đầu năm đến nay, số hồ sơ được tiếp nhận qua hình thức trực tuyến trên toàn huyện chiếm 95,24% tổng số hồ sơ đã tiếp nhận, tỷ lệ số hóa hồ sơ đạt 81,5%.
Ngoài ra, với mong muốn kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, hằng năm, huyện đều tổ chức đối thoại, gặp mặt các doanh nhân, hợp tác xã để lắng nghe, giải quyết vướng mắc, giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
Ngoài các khu, cụm công nghiệp, huyện còn thu hút được các doanh nghiệp đầu tư trong nhiều lĩnh vực, đóng góp tích cực vào tăng trưởng giá trị công nghiệp của huyện như: Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT, Nhà máy gạch Tuynel Điềm Thụy, Công ty CP Thời trang xuất khẩu Hà Sơn, Nhà máy nước Phú Bình…
Nhằm phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, tranh thủ nguồn vốn khuyến công của Trung ương và tỉnh, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng, UBND các xã phối hợp triển khai các đề án khuyến công. Qua đó nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề tiểu thủ công nghiệp ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện có 7 đơn vị được hỗ trợ máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng.
Sản phẩm tương Úc Kỳ và tương nếp Hồng Kỳ được trưng bày tại các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài huyện. |
Cùng với đó, huyện cũng quan tâm phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp hiện có thông qua hoạt động hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Một số làng nghề hoạt động có hiệu quả đã thành lập được hợp tác xã, như: Hợp tác xã ngựa bạch xóm Phẩm (xã Dương Thành); Hợp tác xã trồng và chế biến chè Phú Lợi (xã Bàn Đạt); Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ (chuyên về ương nếp, xã Úc Kỳ)…
Thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, huyện cũng hướng dẫn các hợp tác xã, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp xây dựng sản phẩm OCOP. Hiện, Hợp tác xã ngựa bạch xóm Phẩm đã có cao ngựa bạch đạt 4 sao; HTX Hồng Kỳ có tương Úc Kỳ và tương nếp Hồng Kỳ đạt OCOP 3 sao; Hợp tác xã trồng và chế biến nông sản Đỗ Viện, xã Tân Khánh, có dầu lạc Đỗ Viện đạt OCOP 3 sao.
Ngoài ra, hoạt động xúc tiến thương mại dành cho các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cũng được đẩy mạnh. Qua đó đã giúp các hợp tác xã, cơ sở sản xuất mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh.
Anh Dương Văn Duy, Giám đốc Hợp tác xã Hồng Kỳ, cho biết: Sau khi đạt chứng nhận OCOP và được tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, sản phẩm của Hợp tác xã ngày càng được nhiều khách hàng biết đến, sản lượng bán ra tăng cao. Năm 2023, Hợp tác xã bán ra thị trường gần 12 nghìn lít tương, tăng khoảng 4 nghìn lít so với năm 2021. Ngoài thị trường trong tỉnh, Hợp tác xã đã kết nối được với đầu mối tiêu thụ ở Hà Nội, Bắc Giang…
Để tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng công nghiệp địa phương, thời gian tới, UBND huyện Phú Bình chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp để sớm đón nhà đầu tư. Đồng thời không ngừng đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cấp cơ sở hạ tầng để thu hút các dự án đầu tư phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trong đó ưu tiên các lĩnh vực như công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến nông - lâm sản. Ngoài ra, huyện cũng quan tâm triển khai các chương trình hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho các cơ sở công nghiệp nông thôn.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/cong-nghiep/202407/phu-binh-khai-thac-tiem-nang-phat-trien-cong-nghiep-a562276/
(Trong khuôn viên Tổng Công Ty Thái Sơn - Bộ Quốc Phòng)
Điện thoại: 028 6658 9888
Email: [email protected]