Tin công nghiệp
TTH - Chỉ số phát triển công nghiệp IIP tăng so với cùng kỳ, đặc biệt lĩnh vực công nghiệp - xây dựng; sản xuất công nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng khá cao đã tạo ra chỉ dấu tốt.
Dệt may vẫn là ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh trong thời gian tới |
Với tiềm năng sẵn có, ngành công nghiệp chế biến gỗ tại Thừa Thiên Huế có nhiều dư địa để phát triển. Minh chứng là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh có nhiều doanh nghiệp “đứng chân” sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu.
Trong thời kỳ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cùng với sự biến động của thị trường, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ thực sự lao đao. Ngoài ra, vùng nguyên liệu ngày trước tại Thừa Thiên Huế gây ra những trở lực nhất định về chất lượng. Song, bây giờ thị trường dần ổn định cũng là lúc các doanh nghiệp trên lĩnh vực này có cơ hội “cất cánh”.
Số liệu từ Sở Công thương cho thấy, từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ ước đạt 96,36 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Đặc biệt, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vùng nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ tại Thừa Thiên Huế đang dồi dào. Bằng chứng là hơn 99.000ha rừng trồng, với sản lượng khai thác hàng năm đạt hơn 600.00m3. Trong đó, có khoảng 12.000ha rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững… “Để chế biến gỗ, nguyên liệu đóng vai trò quan trọng, khi vùng nguyên liệu được mở rộng cũng như nâng cao về chất lượng, chúng tôi cũng dễ dàng hơn trong việc chọn lựa”, ông Huỳnh Thặng, Giám đốc Công ty CP Chế biến lâm sản xuất khẩu Pisico Huế chia sẻ.
Ngoài ngành công nghiệp chế biến, một số dự án mới, tạo năng lực mới đi vào hoạt động đã tác động đến tốc độ tăng trưởng chung của ngành công nghiệp: Dự án Kim Long Motors Huế (giai đoạn 1), Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn, Nhà máy xử lý nước sạch Vạn Niên, Nhà máy Scavi Huế 2,...
Tại phiên họp thường kỳ tháng 6 của UBND tỉnh, đại diện Cục Thống kê cũng đã nhấn mạnh đến vai trò của các dự án mới trong việc thúc đẩy tăng trưởng chung. Ngoài ra tình hình sản xuất, kinh doanh một số sản phẩm chủ lực tăng như, bia 168 triệu lít, tăng 3,2% so với cùng kỳ; tôm đông lạnh 2.440 tấn, tăng 1%; sợi các loại 57,3 nghìn tấn, tăng 12%; quần áo lót 212,5 triệu cái, tăng 6,9%; vỏ bào dăm gỗ 444 nghìn tấn, tăng 58%; điện thương phẩm 1.054,2 triệu kwh, tăng 7,5%; vỏ lon nhôm 7,8 nghìn tấn, tăng 1,6%; sản xuất xe 170 chiếc, gấp 5 lần so với cùng kỳ;... đã giúp ngành công nghiệp phục hồi, có thể tiến đến bứt phá trong những tháng cuối năm. “Mặc dù có những biến động, nhưng ngành dệt may vẫn sản xuất ổn định. Từ những cơ chế, chính sách của Việt Nam cũng như Thừa Thiên Huế, hy vọng trong thời gian tới, thị trường xuất khẩu sẽ được mở rộng”, ông Nguyễn Tiến Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Huế nói.
Từ số liệu của UBND tỉnh, ước thực hiện 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 3% so với cùng kỳ; trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng ước giảm 0,5%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 6,5%; ngành sản xuất và phân phối điện, nước đá ước giảm 25%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14%.
Dù có nhiều tín hiệu khởi sắc, song các cơ quan chức năng cho rằng, hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp vẫn gặp khó khăn do một số dự án sản xuất công nghiệp trọng điểm như, Dự án Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế (giai đoạn 1); Dự án Nhà máy Kanglongda Huế chậm tiến độ đã tác động đến năng lực tăng thêm. Bên cạnh đó, sản xuất điện giảm sâu đã làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của ngành công nghiệp. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động tăng cao so với cùng kỳ.
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, lĩnh vực công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh. Do vậy, việc tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình hoạt động của các cơ sở công nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh đóng vai trò quan trọng.
Ông Phương cho biết, tỉnh sẽ tập trung triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai hiệu quả kế hoạch hỗ trợ di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh vào các khu, cụm công nghiệp. Phấn đấu 6 tháng cuối năm thu hút thêm 7 - 10 dự án công nghiệp, đầu tư kinh doanh hạ tầng, nông sản và một số dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.000 - 3.000 tỷ đồng.
Để tạo động lực phát triển mới, ông Phương cho hay, tỉnh cũng sẽ đôn đốc, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án sớm đi vào hoạt động, tạo bước đột phá cho ngành công nghiệp, trọng tâm là Nhà máy Kanglongda Huế, hoàn thiện giai đoạn 1 và triển khai giai đoạn 2 dự án Khu liên hợp sản xuất lắp ráp Kim Long Motors Huế; dự án sản xuất men Frit; các dự án may mặc,... Ngoài ra, hỗ trợ các dự án phát triển hạ tầng công nghiệp như, Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Gilimex; KCN Phú Bài giai đoạn IV, đợt 1; Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN Phong Điền - Viglacera; KCN và khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây; các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp: Điền Lộc, Điền Lộc 2, Bình Thành, Phú Diên,...
Nguồn: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/phuc-hoi-nganh-cong-nghiep-tao-da-tang-truong-143261.html
(Trong khuôn viên Tổng Công Ty Thái Sơn - Bộ Quốc Phòng)
Điện thoại: 028 6658 9888
Email: [email protected]