Tin công nghiệp
Ngành xây dựng được xem là nền móng cho sự phát triển của bất kỳ quốc gia nào; nhưng đây cũng là một ngành sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên để sản xuất ra các loại vật liệu xây dựng và phát sinh nhiều thách thức môi trường trong việc sử dụng năng lượng, thu gom và xử lý phế thải.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đầu tư công nghệ để xử lý phế thải của nhiều ngành công nghiệp như khai khoáng, xây dựng, nhiệt điện, phân bón hóa chất… để sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện môi trường là giải pháp then chốt nhằm góp phần phát triển vật liệu xây dựng xanh theo hướng hiện đại, bền vững.
Thông tin được đề cập trong số phát sóng ngày 20/8/2024 của chương trình “Môi trường và cuộc sống”. Chương trình được phát sóng vào thứ Ba hàng tuần trên kênh VTV2 – Đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS).
Theo thống kê của Viện Vật liệu xây dựng, các công trình xây dựng sử dụng khoảng 40% nguồn năng lượng, chiếm 50% lượng phát thải, tạo ra 33% lượng khí thải carbon và 40% chất thải rắn xây dựng tác động không nhỏ đối với môi trường, đòi hỏi cần phải có sự chuyển đổi.
Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên khoáng sản đang ngày càng cạn kiệt, cùng với gia tăng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, việc phát triển các loại vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường đang dần trở thành xu thế tất yếu, là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế.
Chia sẻ về xu hướng xanh hóa đối với ngành sản xuất xi măng, PGS. TS. Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp xi măng đã và đang đẩy mạnh nghiên cứu, sử dụng chất thải công nghiệp và sinh hoạt làm nguyên, nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng.
PGS. TS. Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam |
Một điểm tích cực của nhóm vật liệu xây dựng có ứng dụng công nghệ mới là không sử dụng nguyên liệu tự nhiên mà còn tận dụng nguồn phế liệu của nhiều ngành công nghiệp khác.
Các chuyên gia của các doanh nghiệp vẫn không ngừng nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, để sản xuất ra những sản phẩm vật liệu xây dựng công nghệ cao, đáp ứng như cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của ngành xây dựng.
Hàng tỷ viên gạch xi măng cốt liệu không nung được làm ra từ bột đá thải bỏ hay từ phế liệu xây dựng sẽ giúp giảm thiểu việc khai thác hàng triệu mét khối đất sét tự nhiên; giảm hàng triệu tấn carbon bị đốt để nung gạch. Hàng chục triệu mét vuông panel bê tông chưng khí áp, hàng triệu tấn vữa xây, vữa chát tường được làm từ nhiên liệu tro bay của nhiệt điện than cũng sẽ giảm được hàng triệu mét khối cát, đá tự nhiên từ những con sông, những mỏ đá; giảm thiểu việc tác động vào cảnh quan thiên nhiên, tác động tới môi trường.
Nhu cầu về mặt hàng vật liệu xây dựng là một khía cạnh đa dạng và phức tạp; chịu ảnh hưởng từ rất nhiều yếu tố, luôn trong tình trạng biến đổi không ngừng. Sử dụng nguyên liệu tái chế thay thế cho nguyên liệu tự nhiên, sử dụng vật liệu không nung thay thế dần vật liệu truyền thống là xu thế hiện đại và tất yếu. Điều này sẽ đóng góp tích cực cho mục tiêu giảm phát thải và tăng trưởng xanh của ngành xây dựng Việt Nam.
Mời quý vị tiếp tục đón xem chương trình “Môi trường và cuộc sống” phát sóng hàng tuần để cập nhật những thông tin mới nhất.
(Trong khuôn viên Tổng Công Ty Thái Sơn - Bộ Quốc Phòng)
Điện thoại: 028 6658 9888
Email: [email protected]