Sơn La hiện là một trong những vùng nông sản, rau quả lớn nhất cả nước. Toàn tỉnh có 17 nhà máy, hơn 540 cơ sở chế biến nông sản.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, nhiều sản phẩm công nghiệp chế biến nông sản tăng so với cùng kỳ, như: chè sơ chế tăng hơn 22,%; sữa tươi tiệt trùng tăng trên 8%; đường kính, tinh bột sắn... Giá trị hàng hóa nông sản chế biến tham gia xuất khẩu ước đạt 95,1 triệu USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước.
Chế biến nhãn tại nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ (Ảnh - Internet)Để sản xuất sản phẩm ngày một đa dạng, tỉnh Sơn La đang tiếp tục đôn đốc các nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục liên quan đến dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư. Hiện, tỉnh đã tiếp nhận, cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư 2/4 dự án, gồm: Dự án Nhà máy sản xuất ngũ cốc ăn liền và hoa quả sấy do Công ty cổ phần sản xuất và thương mại đầu tư VFI và dự án Nhà máy chế biến tinh bột biến tính BHL Sơn La do Công ty cổ phần chế biến nguyên liệu thực phẩm BHL làm nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, địa phương đang tiếp tục thu hút nhà máy chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần triển khai Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao cho tỉnh đó là xây dựng Sơn La trở thành Trung tâm chế biến nông sản Trung du và miền núi phía Bắc.
"Sơn La là tỉnh Tây Bắc, xa thủ đô, đường xá còn khó khăn, nên khi xây dựng nhà máy với các doanh nghiệp ngoài tỉnh rất chú ý đến logistic, chi phí vận chuyển... Để thu hút được các nhà máy, Sơn La đang rất cố gắng, vừa rồi đã trình Chính phủ có được tuyến đường cao tốc, đang cố gắng hoàn thiện để làm sao đảm bảo hạ tầng giao thông. Thứ 2 là chính sách, nghị quyết, hỗ trợ sản xuất đầu vào, màng, giống, cho các HTX, doanh nghiệp, nông dân, để xây dựng vùng nguyên liệu cho các nhà máy..."- ông Nguyễn Thành Công chia sẻ.