Đối mặt nhiều thách thức
Hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu là một trong nội dung trọng tâm được Sở Công Thương Tuyên Quang thực hiện trong nhiều năm qua. Bên cạnh công tác tổ chức bình chọn theo quy định, giai đoạn từ nằm 2016-2023, Tuyên Quang đã hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho 10 đơn vị có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được công nhận với tổng kinh phí trên 1,3 tỷ đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương. Khảo sát, tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi số cho 1 cơ sở có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu.
Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã kết nối cho các đơn vị tham gia hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu nhằm quảng bá và giới thiệu các sản phẩm. Từ đó, giúp các cơ sở tìm kiếm đầu ra và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Cũng theo Sở Công Thương Tuyên Quang, mặc dù địa phương đã dành nhiều hỗ trợ cho sản phẩm CNNT tiêu biểu nhưng để thực sự tạo cú huých mạnh cho sản phẩm này phát triển còn nhiều thách thức.
Khó khăn đầu tiên có thể kể tới, việc đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, nhất là ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn, chi phí đầu tư cho sản xuất lớn dẫn đến giá thành sản phẩm cao, gây khó khăn khi cạnh tranh trên thị trường dẫn đến tâm lý e ngại đầu tư sợ rủi ro của các cơ sở.
Tuyên Quang đa dạng hình thức hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp nông thôn. Ảnh Thanh Thuý/Báo Tuyên Quang |
Đa số cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, hạn chế về khả năng huy động nguồn lực từ thị trường để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Năng lực nội tại, trong đó có năng lực tài chính còn hạn chế, chủ yếu dựa vào vốn tự có. Trong tiếp cận nguồn vốn từ chính sách hỗ trợ yêu cầu cơ sở phải có vốn đối ứng nên nhiều cơ sở chưa mặn mà, thậm chí không có khả năng đối ứng.
Chưa kể sự hạn chế về nguồn nhân lực khiến cho những thủ tục về đấu thầu, đầu tư, chuẩn bị hồ sơ thanh quyết toán để giải ngân đề án không thể thực hiện. Do đó, nhiều cơ sở còn chưa mạnh dạn tham gia các đề án. Các đơn vị cũng thường gặp khó khăn trong việc kết nối đầu ra cho sản phẩm.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh còn hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ số và kết nối giao thương trực tuyến. Việc bán hàng qua sàn thương mại điện tử của các chủ thể sản xuất, kinh doanh chưa chuyên nghiệp... đặc biệt ngay tại các Siêu thị, Winmarrt+, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh hiện nay có rất ít sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được bày bán, nhiều sản phẩm chưa ổn định được đầu ra. Công tác xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức...
Hỗ trợ mở rộng sản xuất, kinh doanh
Một trong những mục tiêu của chính sách khuyến công là hỗ trợ phát triển toàn diện sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nhằm hoàn thành mục tiêu này, Tuyên Quang tiếp tục ưu tiên hỗ trợ kinh phí khuyến công cho các đề án, dự án có sản phẩm được công nhận; chú trọng các đề án ứng dụng công nghệ mới, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng trên cơ sở phát huy lợi thế về tài nguyên, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Tập trung hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở phát triển theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, thân thiện với môi trường, nhằm mở rộng và giữ vững thị trường tiêu thụ.
Thông tin, tuyên truyền giới thiệu đến các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tham gia diễn đàn, hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu và hội nghị giao thương trực tuyến, hợp tác doanh nghiệp và các phiên tư vấn xuất khẩu của Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương.
Đẩy mạnh công tác tuyên tuyền quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Tuyên Quang trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội: zalo, facebook, sàn thương mại điện tử...; xây dựng và phát hành ấn phẩm dưới dạng video, tin bài. Tuyên truyền, vận động các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn tỉnh ưu tiên lựa chọn sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh.
Kết nối với Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến các tỉnh, thành phố tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân đến Tuyên Quang nghiên cứu, khảo sát kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh hỗ trợ trong công tác xúc tiến thương mại, quảng bá phát triển thị trường nông sản, hỗ trợ kết nối cung cầu, phát triển các kênh bán buôn, bán lẻ, hệ thống phân phối phù hợp, đặc biệt phát triển mạnh hệ thống thương mại điện tử.
Nghiên cứu xây dựng các điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại các tỉnh, thành tập trung đông dân cư, khu công nghiệp như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Nguyên... Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa với các Tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như: Big C, GO, Lan Chi, Vinmart&Vinmart+, MM Mega Market, Aeon, Lotte, Co.opmart, Co.opFood, Fivimart và Citimart; kết nối tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử như: Sendo, Voso, PostMart, Cuccu, Shopee, các mạng xã hội...