Tin công nghiệp
Việt Nam đang nắm bắt cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Tuy nhiên, để tạo ra sự khác biệt trong cuộc đua trong ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
"Dọn tổ" đón "đại bàng" ngành bán dẫn
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1018/QĐ-TTg, ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong Quyết định này, Chính phủ định hướng phát triển ngành bán dẫn đến năm 2050 trong lộ trình 3 giai đoạn.
Cụ thể, trong giai đoạn 1 (2024 - 2030), Việt Nam sẽ tận dụng lợi thế địa chính trị, nhân lực về công nghiệp bán dẫn, thu hút FDI có chọn lọc, phát triển trở thành một trong các trung tâm về nhân lực bán dẫn toàn cầu, hình thành năng lực cơ bản trong tất cả các công đoạn từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử của công nghiệp bán dẫn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao triển khai Đề án phát triển nhân lực bán dẫn, với mục tiêu, đến năm 2030, nước ta sẽ có 50.000 kỹ sư ngành này.
Giai đoạn 2 (2030 - 2040), Việt Nam trở thành một trong các trung tâm về công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu; phát triển công nghiệp bán dẫn, điện tử kết hợp giữa tự cường và FDI.
Giai đoạn 3 (2040 - 2050), Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm các quốc gia đi đầu trên thế giới về công nghiệp bán dẫn, điện tử; làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử.
Trên thực tế, vài năm gần đây, với môi trường đầu tư thuận lợi, đi kèm với nhiều chính sách ưu đãi, Việt Nam đang trở thành điểm đến tiềm năng của các “ông lớn” trong ngành bán dẫn thế giới.
Tính đến cuối tháng 4/2024, Việt Nam có khoảng 50 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đang hoạt động. Trong đó có nhiều tên tuổi lớn trong ngành bán dẫn thế giới quyết định “xây tổ” tại Việt Nam, như Intel, Amkor, Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo,.....
Theo nhận định của các tổ chức đánh giá trong và ngoài nước, Việt Nam có rất nhiều lợi thế trong cuộc đua phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Bên cạnh các chính sách ưu đãi, môi trường đầu tư thuận lợi, Việt Nam có lực lượng lao động chất lượng, chi phí hợp lý đã và đang hoạt động trong ngành công nghiệp điện tử dễ dàng chuyển đổi sang ngành bán dẫn.
Đồng thời, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển. Đặc biệt, tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện nêu rõ 2 nội dung hợp tác đột phá là đổi mới sáng tạo và công nghệ cao trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn.
Trong Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn vào cuối tháng 4/2024, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, công nghiệp bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử. Đây là ngành công nghiệp lõi, quan trọng cho sự phát triển các ngành công nghiệp khác như: điện tử tiêu dùng, năng lượng tái tạo, thiết bị chiếu sáng, thiết bị y tế, quốc phòng, an ninh…
Nhiều quốc gia, nền kinh tế trên thế giới đều mong muốn tham gia và có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thực hiện một số hành động cụ thể để phát triển ngành công nghiệp quan trọng này. Ngay cả các quốc gia phát triển cũng sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới đầu tư các dự án bán dẫn tại nước họ.
“Trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, để tận dụng nguồn nhân lực, các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn đã và đang chuyển hướng đến các nước khu vực châu Á để đặt trụ sở, nhà máy”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Phải tận dụng được lợi thế về nhân lực
Trong Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bên cạnh 3 lộ trình phát triển ngành bán dẫn, Chính phủ cũng đặt ra 5 nhiệm vụ chi tiết, thể hiện quyết tâm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Một trong những nhiệm vụ đáng chú ý đó xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút và nuôi dưỡng nhân tài, các chuyên gia cao cấp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử trong và ngoài nước.
Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2050 trở thành quốc gia thuộc nhóm các quốc gia đi đầu trên thế giới về công nghiệp bán dẫn, điện tử.
Đồng thời, Chính phủ đặt ra nhiệm vụ kết nối chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế, đặc biệt là các chuyên gia Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài để hình thành Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn.
Trao đổi riêng với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trên thế giới và trong khu vực châu Á có nhiều “cường quốc” trong ngành bán dẫn và có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực này.
Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia đi sau, nếu đi theo cách thông thường sẽ rất khó bắt nhịp được họ. Vì vậy, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xác định muốn thành công, Việt Nam phải phát triển được đội ngũ nhân lực đủ mạnh, đủ sức hấp dẫn để cạnh tranh với các cường quốc trong ngành này.
Theo ông Huy, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành bán dẫn tại Mỹ để phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam. Các doanh nghiệp này đang cung cấp nhiều công cụ, phần mềm thiết kế, họ cũng phối hợp với các trường Đại học trong nước và NIC để chuyển đổi mô hình đào tạo, cung cấp thêm các khóa đào tạo ngắn hạn, đào tạo chính quy khác cho sinh viên, hoặc các kỹ sư tại Việt Nam.
“Thế mạnh của Việt Nam là lực lượng lao động trẻ và đang trong giai đoạn dân số vàng. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ, Việt Nam cần phải nâng cao trình độ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp bán dẫn đang đi tìm “tổ”. Nếu làm được điều này, tôi tin rằng Việt Nam sẽ có lợi thế lớn trong cuộc đua phát triển ngành công nghiệp bán dẫn”, ông Huy nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Huy, trước đây, các doanh nghiệp bán dẫn có nhiều chính sách hấp dẫn thu hút các kỹ sư Việt Nam ra nước ngoài làm việc. Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, chuyên môn, nhiều kỹ sư Việt Nam mong muốn về Việt Nam để cống hiến, để đầu tư, để mở rộng chuỗi cung ứng, mở rộng nhà máy. Vì thế, cần thiết việc tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế, để tạo ra chính sách đột phá, “trải thảm đỏ” thu hút các chuyên gia cao cấp, các kỹ sư người Việt về nước làm việc.
Để hiện thực hóa Chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao triển khai Đề án phát triển nhân lực bán dẫn, với mục tiêu, đến năm 2030, nước ta sẽ có 50.000 kỹ sư ngành này.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) được giao nhiệm vụ là quản lý chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn vào năm 2030 định hướng đến năm 2050, cung cấp ngay cho thị trường của Việt Nam và xuất khẩu ra nước ngoài, tận dụng ngay được cơ hội dân số vàng của chúng ta.
“Và chúng ta đang nắm giữ một nguồn lực rất mạnh là con người, nhưng phải được đào tạo, khai thác triệt để. Chúng ta đã mở các trung tâm nghiên cứu, đào tạo, kết hợp với các công ty mạnh nhất trên thế giới về thiết kế bán dẫn. Đây là mục tiêu rất chiến lược, rất tham vọng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
VIệt Vũ
(Trong khuôn viên Tổng Công Ty Thái Sơn - Bộ Quốc Phòng)
Điện thoại: 028 6658 9888
Email: [email protected]