Bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, trọng yếu
Việc mở rộng cơ hội đầu tư, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn tại Việt Nam đang rất được trông đợi, khi liên tiếp đón nhận được những tín hiệu tốt với nhiều tập đoàn công nghệ lớn của nước ngoài muốn đầu tư vào ngành bán dẫn tại Việt Nam và một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tham gia vào việc nghiên cứu, sản xuất chip.
|
Nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam (Ảnh: Quỳnh Nga) |
Ông Lê Nam Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông coi AI là công nghệ chính của cách mạng công nghiệp, bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp trọng yếu quốc gia trong vòng 30-50 năm tới.
Hiện nay các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam đã có năng lực đầu tư phát triển hạ tầng, trung tâm dữ liệu, cung cấp dịch vụ, giải pháp về AI trong nước và quốc tế.
Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam cũng đang thu hút nhiều đầu tư FDI nước ngoài. Bộ Thông tin và Truyền thông đang đẩy mạnh hợp tác với các nước lớn như Hoa Kỳ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, vi mạch…, thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp lớn của nước ngoài và các doanh nghiệp Việt Nam để cùng Việt Nam phát triển mạnh mẽ thị trường tiềm năng này.
Bộ Thông tin và Truyền thông luôn đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp để có môi trường thuận lợi đầu tư, phát triển. Bộ sẽ phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phát triển trí tuệ nhân tạo, vi mạch bán dẫn; đồng thời, tổ chức một số hội thảo, hội nghị khoa học quốc tế về AI, bán dẫn để cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này.
Để có sự định hướng, phát triển lâu dài ngành bán dẫn, Việt Nam đang dự thảo Chiến lược phát triển Công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Mục tiêu đưa Việt Nam đến 2030 trở thành một trung tâm về công nghiệp vi mạch bán dẫn với các hoạt động thiết kế, đóng gói và kiểm thử.
Từ mục tiêu này sẽ đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm trong việc cải thiện thể chế, chính sách, phát triển và đào tạo nhân lực, nghiên cứu, hỗ trợ khởi nghiệp, hình thành hệ sinh thái vi mạch bán dẫn Việt Nam, hợp tác quốc tế.
Định hướng đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn phát triển, là một trong các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đồng thời, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam cơ bản có đầy đủ, đồng bộ các hạ tầng về nhân lực, công nghệ, nghiên cứu phát triển, về sản xuất và thị trường ứng dụng, góp phần phát triển bền vững ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam, tạo nền tảng thực hiện thành công chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xây dựng chính phủ số tại Việt Nam.
Lấy nhân lực là ưu tiên hàng đầu
Đại diện Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông cũng cho hay, theo quan điểm của dự thảo “Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng xác định nhân tài là nền tảng của công nghiệp bán dẫn, lấy nhân lực là ưu tiên hàng đầu, là yếu tố quyết định để tự chủ, trở thành trung tâm nhân sự bán dẫn toàn cầu ở tất cả các công đoạn.
Việt Nam có dân số trẻ, có quy mô dân số lớn, có lợi thế phát triển nhân lực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Công cụ hỗ trợ thiết kế các sản phẩm bán dẫn ngày càng phổ biến, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thị trường công nghiệp bán dẫn.
Theo đó, Việt Nam có tiềm năng để cung cấp dịch vụ sản xuất cho công nghiệp bán dẫn, xây dựng thương hiệu Việt Nam về bán dẫn.
Để cụ thể hóa nhiệm vụ phát triển nguồn nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, hiện Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án “phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” hiện đang trình Chính phủ phê duyệt.
Theo dự thảo Đề án, Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn trong phạm vi lĩnh vực quản lý.
Để triển khai thực hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai các nội dung thuộc Đề án đảm bảo bám sát mục tiêu của chiến lược liên quan về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn quốc gia, đồng thời nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường sự liên kết của các doanh nghiệp công nghệ vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực và các hoạt động nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024 mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, cả chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đều cần công nghệ số, mà công nghệ số thì cốt lõi là chip bán dẫn, nhất là chip trí tuệ nhân tạo. Bộ Thông tin và Truyền thông đã dự thảo xong phiên bản cuối cùng của Chiến lược quốc gia về phát triển chip bán dẫn. Nếu phải nói 3 điều trọng yếu nhất trong chiến lược này thì đó là: Thứ nhất, phát triển chip bán dẫn phải đi cùng chiến lược về công nghiệp điện tử. Thứ hai, Việt Nam sẽ đi từ Hub (trung tâm) nhân lực bán dẫn toàn cầu đến công nghiệp bán dẫn. Thứ ba, Việt Nam sẽ là số 1 trong sự dịch chuyển chuỗi cung bán dẫn toàn cầu. |